Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lý do nào khác khiến Nga giận dữ với Thổ Nhĩ Kỳ?

Vân An| 25/11/2015 15:14

(HNMO) - Sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến cơ Nga hôm qua, tình hình Trung Đông và quan hệ Nga-Thổ đang “căng như dây đàn”.


Sau khi các máy bay chiến đấu của Nga bị bắn rơi gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin đã tức giận nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã “đâm sau lưng” Nga và đang tiếp tay cho sự tàn bạo của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bằng cách mua dầu lậu từ nhóm này.

Lo ngại của ông Putin không phải không có cơ sở. Trong một thời gian dài, thậm chí các nhà phân tích phương Tây đã đồng ý rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã hành động rất ít trong việc phá hủy các đường ống dẫn dầu của IS đang chạy qua biên giới Syria vào nước này.

Theo trang IBTimes, IS đã giành quyền kiểm soát các mỏ dầu ở Iraq và phía đông Syria và đã duy trì việc sản xuất dầu, bất chấp các cuộc không kích của cả Nga và liên quân do Mỹ đứng đầu vào các mục tiêu này.

“IS có lượng tiền lớn, hàng trăm triệu USD - hoặc thậm chí hàng tỷ USD - từ việc bán dầu… Ngoài ra, chúng còn được bảo vệ bởi quân đội của cả một quốc gia. Người ta có thể hiểu được lý do tại sao chúng đang hành động rất táo bạo và trắng trợn", hãng tin RT trích phát biểu của ông Putin ngày hôm qua (24/11).

IS đang "kiếm bộn" tiền từ việc bán dầu thô ra thị trường chợ đen


Thổ Nhĩ Kỳ thường được xem là một trong những điểm đến chính cho dầu của IS, việc này đã khiến căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng.

Trong tháng 11 này, tờ Guardian cho biết, IS đang kiểm soát khoảng 6 điểm sản xuất dầu. IS được cho là đã bán dầu cho các thương nhân người Kurd ở khu vực người Kurd của Iraq, sau đó, lượng dầu này lại được bán cho các thương nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Tháng 6/2014, Ali Edibogluan, một thành viên phe đối lập trong quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, IS đã buôn lậu lượng dầu trị giá 800 triệu USD từ Syria và Iraq vào Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã chỉ rõ, các mỏ dầu Rumaila ở miền bắc Syria cũng như các mỏ dầu gần Mosul, Iraq, đang được đặt các đường ống để cho phép nhóm này "chuyển dầu đến Thổ Nhĩ Kỳ và biến nó thành tiền mặt".

"Việc hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ với hàng nghìn người trong bối cảnh như vậy là cực kỳ nguy hiểm", ông Edibogluan nói.

Nga gần đây cũng đã tìm cách phá hoại hệ thống hạ tầng cho phép IS vận chuyển và bán dầu. Lực lượng không quân Nga cho biết, tuần trước đã phá hủy khoảng 500 tàu chở nhiên liệu. Theo ước tính của Bộ Tài chính Mỹ, dầu đang đem lại khoảng 40 triệu USD mỗi tháng cho IS.

Những căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng xuất hiện giữa lúc các cuộc đàm phán về TurkStream, một hệ thống ống dẫn có khả năng vận chuyển khí đốt của Nga vào miền nam châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ, đang gặp khó khăn. Cuộc đàm phán đã sụp đổ vào tháng 10 vừa qua khi Gazprom, công ty năng lượng quốc doanh Nga, cho biết sẽ cắt giảm lượng khí đi qua hệ thống này xuống một nửa, trì hoãn việc đưa hệ thống này vào hoạt động cho đến cuối năm 2017. Tập đoàn này quyết định cắt giảm để chuyển một phần lượng khí đốt sang một đường ống khác không đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo một phân tích gần đây của công ty Global Risk Insights, các động cơ của Thổ Nhĩ Kỳ để bảo đảm cho TurkStream là khá cấp bách, khi nhu cầu năng lượng trong nước tăng và các nguồn năng lượng tự cấp rất hạn chế. Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ muốn tìm kiếm sự giảm giá hấp dẫn từ nhập khẩu khí đốt của Nga để đổi lấy việc ”bật đèn xanh” cho TurkStream.

Theo thống kê, năm 2014 vừa qua, trong tổng lượng dầu thô mà Thổ Nhĩ Kỳ tiêu thụ có khoảng 27% từ Iraq, 26% từ Iran và 13% từ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ có khoảng 3% được nhập khẩu từ Nga.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lý do nào khác khiến Nga giận dữ với Thổ Nhĩ Kỳ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.