(HNMO) – Nhiều người ngạc nhiên khi những chiếc ô tô bị vỡ phần mũi dù chỉ va chạm nhẹ ở tốc độ chậm, thậm chí chỉ trích nhà sản xuất là đã tạo ra những sản phẩm “vỏ giấy” hay “thùng tôn” di động, ám chỉ sự mỏng manh.
Tuy nhiên, việc cho rằng cản ô tô phải “siêu cứng” để bảo vệ chiếc xe và người ngồi bên trong khi có va chạm xảy ra là ngộ nhận. Nhiệm vụ quan trọng hơn cả của bộ phận này là bảo vệ an toàn cho người đi bộ và phương tiện thô sơ khi có va chạm xảy ra. Đây cũng là lý do khiến bộ phận này luôn được làm bằng vật liệu mềm và dẻo, như nhựa plastic dễ gãy vỡ hoặc các vật liệu sợi tổng hợp mềm, qua đó giảm tối đa chấn thương. Phần phía dưới cản luôn có độ mềm cao hơn, chính là nhằm bảo vệ phần chân của người đi bộ trong các tai nạn.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng không thiết kế cản đảm nhận vai trò trang bị an toàn bảo vệ hành khách, mà chỉ như một “chiếc ô” che chắn các bộ phận cơ khí (đặc biệt là bên trong khoang máy) khỏi các yếu tố tác động thông thường như mưa gió, nắng, bụi, côn trùng…, đặc biệt khi xe di chuyển. Bộ phận này cũng tạo ngoại hình cho xe, đồng thời giúp xe ít cản gió hơn nhằm tiết kiệm nhiên liệu và giảm tiếng ồn.
Ngoài ra, do hầu hết các cảm biến tính năng an toàn của ô tô, trong đó có cảm biến kích nổ túi khí, đều được đặt sau cản trước, vật liệu và kết cấu của cản sẽ quyết định tốc độ lực tác động truyền tới những cảm biến, qua đó kích hoạt các cơ chế an toàn bảo vệ người bên trong khoang lái đúng lúc. Với mục đích này, sự “mềm mại” là cần thiết.
Một yếu tố khác cũng khiến mũi ô tô thường trông khá thảm hại khi xảy ra va chạm trực diện là do vùng biến dạng (crumple zone, được thiết kế gắn với bộ khung, nằm ở phần trước và sau xe). Đây là bộ phận sẽ bảo vệ người ngồi bên trong khoang lái trong các va chạm lớn, nhờ khả năng chủ động bung chốt, thậm chí gãy, vỡ để triệt tiêu lực tác động từ bên ngoài. Vì thế, nhiều chiếc xe khi va chạm trên đường có thể “trầy vi, tróc vảy”, nhưng khoang lái gần như không bị ảnh hưởng. Việc triệt tiêu lực tác động trước khi truyền tới khoang lái đủ tốt thậm chí có thể giúp túi khí không cần bung.
Với những điểm nêu trên, có thể thấy việc một chiếc ô tô bị vỡ phần đầu trong những va chạm nhẹ trên phố không hề là biểu hiện của một sản phẩm kém chất lượng. Thay vào đó, nó cho thấy, các nhà thiết kế và công nghệ vật liệu đã làm tốt nhiệm vụ của mình, giúp người cầm lái cũng như người đi bộ được an toàn hơn nhiều.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.