Theo kế hoạch, trong tháng 4 này, học sinh đang học lớp 9 các trường trung học cơ sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thủ đô đăng ký dự tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025.
Đây là một trong các khâu rất quan trọng của quy trình xét tuyển vào lớp 10, đòi hỏi học sinh cần ghi nhớ những điểm mới cũng như các quy định về nguyên tắc xét tuyển, cách sắp xếp nguyện vọng để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025 sẽ diễn ra trong hai ngày 8 và 9-6-2024 với ba môn thi độc lập, thi theo thứ tự từng buổi thi là ngữ văn, ngoại ngữ và toán. Số học sinh dự xét tốt nghiệp trung học cơ sở năm nay khoảng 133.000 em, tăng hơn 4.000 em so với năm học trước. Tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập chiếm khoảng hơn 60%, tức là tương đương các năm trước.
Như mọi năm, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội vẫn vận dụng quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên kỳ thi áp dụng Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT ngày 6-3-2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành. Điểm mới liên quan trực tiếp đến học sinh là quy định các vật dụng được phép và không được phép mang vào phòng thi.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Vân Hồng, nhà trường đã và sẽ tiếp tục phổ biến kỹ về các vật dụng cấm mang vào phòng thi để học sinh tuân thủ nghiêm, gồm: Giấy than; bút xóa; đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin nhằm gian lận trong quá trình làm bài thi.
Lưu ý quan trọng thứ hai mà học sinh cần nhớ là nguyên tắc xét tuyển vào lớp 10 trường công lập tại Hà Nội. Đó là phải làm đủ 3 bài thi (gồm ngữ văn, ngoại ngữ và toán) và không có bài thi nào bị điểm 0. Nếu học sinh mang tài liệu, vật dụng trong danh mục cấm vào phòng thi thì theo quy chế, học sinh vi phạm ở môn thi nào, sẽ bị đình chỉ thi và bị điểm 0 ở bài thi đó. Do đó, học sinh cần có ý thức nghiêm túc với các kỳ khảo sát, thi thử tại trường để tập dượt với việc thực hiện quy chế thi, tránh tâm lý chủ quan, lơ là mà phạm quy.
Đây cũng là thời điểm học sinh dành sự quan tâm lớn đến việc lựa chọn nguyện vọng dự tuyển. Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mỗi học sinh có 3 nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 trường công lập. Đây không phải điểm mới, nhưng học sinh và gia đình học sinh không thể chủ quan, bởi thực tế các năm trước từng có học sinh học khá nhưng trượt cả 3 nguyện vọng. Nguyên nhân cơ bản là do việc lựa chọn nguyện vọng chưa sát với năng lực học tập. Vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khuyến cáo các gia đình học sinh trong quá trình lựa chọn nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 trường công lập cần lưu ý 3 yếu tố: Năng lực học tập của học sinh (căn cứ kết quả khảo sát hằng tháng và năng lực học tập hằng ngày); điểm chuẩn vào lớp 10 của trường trong 3 năm trở lại đây và khoảng cách di chuyển từ nhà đến trường để bảo đảm học sinh không phải đi học quá xa.
Việc được đăng ký tới 3 nguyện vọng là một thuận lợi mà học sinh cần tận dụng để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất, tuy nhiên, các nguyện vọng phải sắp xếp theo thứ tự và bảo đảm “độ rơi” của điểm chuẩn. Hà Nội có 12 khu vực tuyển sinh, mỗi khu vực gồm từ 2 đến 4 quận, huyện có địa giới hành chính gần nhau và đều có đủ các trường có mức điểm chuẩn từ cao xuống thấp, các gia đình học sinh cần quan tâm tham khảo kỹ về các trường ở từng khu vực tuyển sinh để chọn nguyện vọng phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.