Kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 18 và 19-1 vừa qua đã chính thức khởi động cho các kỳ thi riêng để xét tuyển vào đại học năm 2025.
Việc tham gia kỳ thi riêng giúp thí sinh tăng cơ hội vào đại học, giảm áp lực ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên được nhiều thí sinh chú ý. Tuy nhiên, các em cần lưu ý điểm mới khi tham gia các kỳ thi riêng để bảo đảm hiệu quả, tránh lãnh phí.
Khoảng 5 năm trở lại đây, ngày càng nhiều các cơ sở giáo dục đại học tổ chức các kỳ thi riêng. Tùy từng đơn vị, kỳ thi riêng được đặt tên là kỳ thi đánh giá năng lực hoặc kỳ thi đánh giá tư duy. Thời gian diễn ra các kỳ thi riêng thường bắt đầu từ học kỳ II và kéo dài đến sát kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm.
Năm 2025, học sinh thành phố Hà Nội có nhiều cơ hội tham gia các kỳ thi riêng của các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tổ chức như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội... Việc tham gia các kỳ thi riêng trở nên phổ biến, được các thí sinh mong chờ vì tăng cơ hội vào đại học. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu, thí sinh cần nắm bắt rõ thông tin về từng kỳ thi để chủ động kế hoạch đáp ứng.
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội tăng 10% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ điểm kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức. Vì vậy, kỳ thi năm nay thu hút đông thí sinh đăng ký. Đã có 14.000 thí sinh dự thi ở đợt đầu tiên diễn ra ngày 18 và 19-1. Sẽ có thêm 2 đợt thi nữa, trong đó đợt 2 vào ngày 8, 9-3 và đợt 3 vào ngày 26, 27-6. Thí sinh lưu ý, thời gian mở đăng ký dự thi đợt 2 bắt đầu từ ngày 1 đến ngày 6-2, tức là ngay trong những ngày cuối kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, có thể nhiều em xao nhãng. Nếu lỡ cơ hội này, các em cần chờ đến đợt mở cổng đăng ký dự thi đợt 3, từ ngày 1 đến ngày 6-4.
Trong khi Đại học Bách khoa Hà Nội mở đăng ký cho từng đợt thi, thì Đại học Quốc gia Hà Nội mở cổng đăng ký dự thi cho cả 6 đợt thi của năm 2025 trong cùng một khoảng thời gian, bắt đầu từ ngày 8-2; trong đó ca thi thứ nhất diễn ra ngày 15 và 16-3, dự kiến đáp ứng 10.000 thí sinh dự thi. Tuy nhiên, nếu có mong muốn tham dự ca thi đầu tiên, thí sinh cần chuẩn bị sớm các dữ liệu cần thiết và phải lập tài khoản thi từ ngày 1-1 đến trước ngày 7-2. Hệ thống đăng ký ưu tiên cho thí sinh lựa chọn ca thi thứ nhất từ ngày 8-2 đến ngày 24-2.
Ngoài lưu ý về thời gian mở cổng đăng ký dự thi để có thể “chốt” được thời gian thi cho mình, thí sinh còn cần nắm vững về định hướng ra đề của các trường. Theo Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền, cấu trúc kỳ thi đánh giá tư duy của trường cơ bản giữ ổn định như năm 2024 vì nhà trường đã chủ động thay đổi nội dung, hình thức thi theo chương trình mới từ trước đó. Thí sinh có thể biết kết quả thi sau 7 đến 10 ngày, kể từ ngày dự thi. Hiện có khoảng 50 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước thông báo sử dụng kết quả kỳ thi của Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển.
Là thí sinh vừa tham dự kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, em Phạm Thanh Bình, học sinh Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Thời gian vừa qua có nhiều ý kiến về việc nên bỏ phương thức xét tuyển sớm, nhưng hiện giờ Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ban hành quy chế. Em đăng ký thi ngay đợt đầu để yên tâm dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp; đồng thời chuẩn bị dự thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Em mong sớm có quy chế chính thức”.
Không ít thí sinh cũng có phương án dự phòng như em Phạm Thanh Bình để chủ động đáp ứng với kỳ tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy khuyến cáo, thí sinh không nên tham gia quá nhiều kỳ thi riêng. Tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi riêng ở mỗi trường cũng khác nhau, thí sinh cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đăng ký để tránh lãng phí và không đạt hiệu quả. Đây là giai đoạn nước rút, thí sinh cần tập trung cao độ cho kỳ thi tốt nghiệp, nếu không đủ điều kiện tốt nghiệp thì các em cũng sẽ mất cơ hội tham gia xét tuyển đại học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.