Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lưu ý khi dùng thuốc trị cảm cúm

BS Nguyễn Hùng| 21/03/2011 06:31

(HNM) - Thời tiết lạnh, ẩm khiến cả nhà tôi bị cảm cúm. Tôi vẫn tự mua các thuốc chống cảm cúm về cho cả nhà nhưng cảm thấy không an toàn. Vậy, khi sử dụng các loại thuốc điều trị cảm cúm cần lưu ý những gì? (ông Trần Nam, Đống Đa)

Cảm cúm là chứng rối loạn cơ thể thường gặp. Trong năm, một người có thể mắc bệnh vài lần, đặc biệt là vào mùa mưa, lạnh. Triệu chứng thường thấy là sổ mũi, hắt hơi, có khi bị nghẹt mũi, đau họng, ho, sốt nhẹ… Đa số trường hợp bị cảm, sổ mũi thông thường có thể tự khỏi sau từ 4 đến 10 ngày. Nhưng nhiều người khi thấy triệu chứng là tự mua ngay thuốc điều trị. Nói chung, thuốc điều trị cảm cúm thông thường có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt, gây co mạch, trị sổ mũi, chống dị ứng... Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu thuốc trị cảm sổ mũi có chứa chất co mạch, giảm xung huyết thì phải tránh dùng với người bị cao huyết áp, người bị cường tuyến giáp, vì huyết áp có thể tăng khi dùng thuốc. Nếu thuốc có chứa cả thuốc kháng histamine (chống dị ứng) thì phụ nữ có thai không nên dùng (đặc biệt là ba tháng đầu thai kỳ). Thuốc không phù hợp với người đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung cao như lái xe, vận hành máy móc vì thuốc kháng histamin gây buồn ngủ. Với trẻ em, hạn chế dùng thuốc trị cảm sổ mũi có chứa chất co mạch, chống xung huyết, thậm chí không được dùng thuốc nhỏ mũi có chứa chất co mạch để nhỏ mũi. Bởi thuốc không chỉ có tác dụng làm co mạch ở niêm mạc mũi, mà còn gây co mạch ở các nơi khác như não, tim... Khi trẻ bị sốt chỉ nên dùng paracetamol, tốt nhất là dạng thuốc nhỏ giọt hoặc thuốc nhét hậu môn cho trẻ ít tháng.

Riêng người bị cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 thì không được tự mua thuốc điều trị mà phải tuân thủ những quy định phòng chống dịch bệnh do ngành y tế ban hành và bắt buộc phải cách ly, điều trị trong các cơ sở y tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lưu ý khi dùng thuốc trị cảm cúm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.