(HNM) - Mục tiêu chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, Việt Nam sẽ có từ 18.000 đến 20.000 luật sư. Để bổ sung đội ngũ luật sư phù hợp với mục tiêu của chiến lược, tại dự thảo Luật Luật sư (sửa đổi) vừa được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII đã đề nghị mở rộng đối tượng được trở thành luật sư tới các viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật.
Luật sư tranh tụng tại tòa án.
Trong tờ trình Quốc hội, Bộ Tư pháp với tư cách là Ban soạn thảo lý giải mở rộng đối tượng để công chức hành nghề luật sư sẽ góp phần thu hút những người có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật tham gia hành nghề. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc nghiên cứu luật phục vụ cho hoạt động tố tụng cũng chính là việc nghiên cứu và nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên, nâng cao chất lượng của các công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học. Mặt khác, do đặc thù của nghề giảng viên họ có thể chủ động bố trí kế hoạch giảng dạy để tham gia vào hoạt động tố tụng. Còn ông Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Đoàn luật sư Việt Nam) ví von, nếu không cho phép viên chức hành nghề luật sư cũng sẽ "giống như người đào tạo bác sĩ mà chưa hề biết chữa bệnh".
Thực tế trước đây đã có trường hợp khi giảng viên làm luật sư hoặc sau này làm đại diện hợp pháp trong các vụ án dân sự đều phải nhờ đồng nghiệp dạy hộ trong thời gian tham gia tố tụng. Có những vụ án kéo dài rất nhiều ngày đã gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy trong nhà trường. Thêm vào đó, nếu cho phép viên chức được hành nghề luật sư có thể dẫn đến việc xung đột lợi ích khi hành nghề bởi họ là người đang thực hiện dịch vụ cho Nhà nước. Trong khi nếu là luật sư, họ phải đại diện cho khách hàng, bảo vệ quyền lợi của khách hàng nên có thể có xung đột về quyền lợi với Nhà nước. Xét ở góc độ này, quy định cho phép viên chức hành nghề luật sư không phù hợp với quan điểm "chuyên nghiệp hóa" như định hướng của Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hoạt động hành nghề luật sư đòi hỏi tính chuyên môn chuyên nghiệp cao và phải dành nhiều thời gian để tham gia tố tụng, đại diện bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Các hoạt động tại phiên tòa đều diễn ra trong giờ hành chính, nếu cho phép giảng viên hành nghề luật sư sẽ làm khó cho các nhà quản lý khi có các viên chức làm việc theo kiểu "chân ngoài dài hơn chân trong".
Hiện cả nước có 7.072 luật sư và gần 3.500 luật sư hành nghề tập sự hoạt động trong 2.831 tổ chức hành nghề luật sư. Nếu so với quy mô dân số, tính trung bình mới chỉ đạt 1 luật sư/16.000 dân. Tỷ lệ này là quá thấp. Và để có được 18 đến 20 nghìn luật sư vào năm 2020 theo quy hoạch thì chúng ta còn thiếu hụt một số lượng luật sư rất lớn. Song vấn đề quan trọng hơn là chất lượng đội ngũ luật sư đó như thế nào, có đáp ứng và bảo đảm được mục tiêu cải cách tư pháp, chiến lược phát triển nghề luật sư hay không là điều các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.