(HNMO) - Đó là khẳng định của bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội, diễn ra ngày 20-3.
Theo đại diện Sở Công Thương, để chủ động ứng phó với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở đã xây dựng các phương án chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân. Đến ngày 20-3, số lượng hàng hóa dự trữ đã tăng gấp đôi so với giai đoạn trước, bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu trong 3 tháng tới.
Sở cũng làm việc với các doanh nghiệp yêu cầu cung ứng đủ các loại hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân. Các doanh nghiệp đã dự trữ số hàng hóa tăng từ 300-500%, đủ phục vụ các mặt hàng thiết yếu tối thiểu trong 60 ngày.
Cùng với đó, Sở yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát khả năng dự trữ lương thực, thực phẩm; sẵn sàng phương án phục vụ tại chỗ, không để người dân bị thiếu hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho các sinh hoạt thường nhật.
“Thành phố đã chuẩn bị 174.000 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa, bảo đảm cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong thời gian tới. Vì thế, người dân không hoang mang trước những thông tin thất thiệt, không nên đổ xô đi mua, tích trữ hàng hóa”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.
Cũng theo đại diện Sở Công Thương, các cơ sở sản xuất khẩu trang đang nâng công suất hoạt động, không để người dân bị thiếu khẩu trang. Các cơ sở thuộc ngành giáo dục, y tế… có nhu cầu sử dụng khẩu trang với số lượng lớn có thể liên hệ với đơn vị sản xuất khẩu trang để được cung ứng kịp thời.
Cũng tại cuộc họp này, đại diện Sở Tài chính cho biết, Sở đã tham mưu cho thành phố chuẩn bị ngân sách hơn 300 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch. Thành phố đã xem xét phân bổ 5,2 tỷ đồng cho Công an thành phố. Sở Tài chính cũng đề nghị nâng mức phụ cấp chống dịch, bảo đảm mức ăn cho các trường hợp cách ly tập trung...
Theo Sở Tài chính, 30 quận, huyện, thị xã đã chủ động bố trí bổ sung ngân sách hơn 100 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch. Sở Tài chính đề nghị, thời gian tới, các địa phương tiếp tục chủ động nguồn ngân sách dự phòng; địa phương nào không bảo đảm được nguồn kinh phí thì báo cáo kịp thời để Sở bảo đảm đầy đủ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.