Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lười khám định kỳ, nhiều người thờ ơ với sức khỏe

Bảo Ngọc| 20/11/2022 05:20

(HNMCT) - Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm, hay còn gọi là khám sức khỏe tổng quát, hiện vẫn chưa được người dân quan tâm một cách đúng mức. Nhiều người không có thói quen khám sức khỏe thường xuyên, thường chỉ đến khi cơ thể có những dấu hiệu rõ rệt mới chịu đi khám.

Việc khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện các bệnh ung thư sớm cũng như theo dõi các bệnh lý không lây nhiễm. Ảnh: Nguyễn Minh

Thiếu chủ động chăm sóc sức khỏe

Người Việt có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nhằm nhấn mạnh việc phát hiện, theo dõi dấu hiệu bệnh từ sớm và chăm sóc sức khỏe nhằm ngăn ngừa bệnh bao giờ cũng hiệu quả hơn là chờ đến lúc “đổ bệnh” rồi mới tìm giải pháp chữa trị.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa phần người dân chỉ tìm đến các chuyên gia y tế khi các dấu hiệu bệnh đã rõ. Việc chủ động chăm sóc sức khỏe hằng ngày mới chỉ dừng lại ở việc nâng cao ý thức chứ chưa thật sự chuyển thành hành động thật sự. Việc khám sức khỏe định kỳ chưa được chú ý. Thậm chí, với những triệu chứng bệnh thông thường, người dân cũng ngại tìm đến các cơ sở y tế để thăm khám, một phần vì có nhiều trở ngại: Cách trở về địa lý, lo ngại mất thời gian vì phải đợi chờ tại các cơ sở y tế vốn thường quá tải, sợ phải tốn kém...

“Ngại gặp bác sĩ", không ít người có thói quen sử dụng internet để tìm kiếm thông tin hoặc sử dụng các “mẹo dân gian” vốn thiếu cơ sở khoa học từ người xung quanh, thậm chí “mượn” đơn thuốc của người có những triệu chứng tương tự để điều trị.

Ông Nguyễn Sơn (64 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Vì sức khỏe từ trước đến nay rất tốt, không đau ốm gì nên tôi chưa bao giờ đi khám bệnh định kỳ, và cũng rất ngại vào bệnh viện. Khoảng 1 tháng nay, khi thấy nuốt vướng, đau bụng vùng thượng vị, tự mua thuốc để điều trị nhưng các triệu chứng khó chịu kia không đỡ, tôi mới đi khám. Bác sĩ xác định là bị ung thư thực quản, và cho biết, do phát hiện bệnh muộn nên việc điều trị theo phương pháp kết hợp hóa trị và xạ trị đều khó khăn hơn”.

Nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi, thường có tâm lý “ngại” đi khám tổng quát vì... sợ bệnh viện, lo ngại phải xếp hàng mất nhiều thời giờ, gây mệt mỏi. Chỉ đến khi cơ thể “báo động” với những dấu hiệu đau đớn rõ rệt thì mới đi khám tổng quát; đến khi đó mới phát hiện mình bị nhiều bệnh cùng lúc. Với căn bệnh ung thư, việc phát hiện bệnh quá muộn là rất nguy hiểm, khiến việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay, khoảng trên 70% số người bệnh ung thư ở nước ta đi khám, phát hiện, điều trị muộn. Đây là lý do chính khiến tỷ lệ chữa khỏi ung thư tại nước ta thấp so với các nước phát triển.

Khám sức khỏe định kỳ quan trọng ra sao?

Ngoài phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm như ung thư, việc khám sức khỏe định kỳ cũng giúp theo dõi các bệnh lý không lây nhiễm. Khi khám sức khỏe định kỳ, cần tiến hành các xét nghiệm máu, nước tiểu cơ bản để đánh giá chức năng của các cơ quan trong cơ thể như gan, thận, tiết niệu..., phát hiện các bệnh lý về máu như mỡ máu, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa... Một số chẩn đoán hình ảnh cơ bản như chụp X-quang cũng nên thực hiện khi khám sức khỏe định kỳ.

Những đối tượng đặc thù cần được kiểm tra kỹ hơn, như phụ nữ thì cần khám phụ khoa, tử cung, tiết niệu, còn nam giới kiểm tra vấn đề ở cơ quan sinh sản, người nghiện rượu cần khám gan, chức năng gan - thận... Việc khám chuyên sâu ở những chuyên khoa cụ thể giúp “khoanh vùng” các bệnh lý phổ biến nhất hoặc có nguy cơ mắc phải cao nhất do lối sống, môi trường sống hiện tại của chúng ta. GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, trong 30 năm qua, mô hình bệnh tật nói chung của người Việt đã thay đổi, các bệnh không lây nhiễm đang có khuynh hướng tăng lên như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, rối loạn tâm thần...

“Để chủ động phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm, ngay từ lúc còn trẻ, chúng ta đã phải cố gắng thực hiện một lối sống lành mạnh, cụ thể là: Không hút thuốc lá, thuốc lào; hạn chế rượu bia; không nên ăn mặn; hạn chế các thức ăn có nhiều chất béo động vật, các thức ăn có chứa nhiều cholesterol... Bên cạnh đó, việc kiểm tra sức khỏe một cách thường xuyên có kèm với làm một số xét nghiệm cơ bản cũng rất quan trọng. Nếu có các bệnh lý hay yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp thì cần điều trị một cách tích cực để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra” - GS.TS Nguyễn Lân Việt khuyến cáo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lười khám định kỳ, nhiều người thờ ơ với sức khỏe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.