Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lúng túng bảo tồn, phát triển giống gà Mía

Ngọc Quỳnh| 03/02/2017 06:48

(HNM) - Chăn nuôi gà Mía đã và đang được khôi phục, phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa ở thị xã Sơn Tây. Sản phẩm gà Mía tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát triển chăn nuôi gà Mía vẫn hạn chế do lúng túng trong xây dựng thương hiệu.



Qua rà soát, trên địa bàn thị xã Sơn Tây luôn duy trì chăn nuôi 40 nghìn con gà Mía, trung bình xuất chuồng khoảng 0,11 tấn thịt hơi/ngày; ngoài ra, mỗi năm cung cấp cho thị trường 2 triệu con gà giống phục vụ các vùng chăn nuôi trọng điểm của TP Hà Nội gồm: Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai, Phúc Thọ… Gà Mía là giống quý hiếm. Đặc biệt, gà trống có thể lai tạo với các giống gà khác cho ra đời con thương phẩm mang lại giá trị kinh tế cao như: Gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn (Hà Nội), Yên Thế (Bắc Giang)… Thế nhưng, việc bảo tồn, phát triển chăn nuôi, tiêu thụ gà Mía đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Bà Nguyễn Thị Hợi, chuyên viên Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây cho biết, gà Mía cũng giống như nhiều loại gà bản địa quý hiếm khác được phân bố địa bàn hẹp, chủ yếu ở xã Đường Lâm (Sơn Tây), nên nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Do lai tạp với những giống gà nhập nội và được đưa vào nuôi chăn thả với số lượng lớn nên đã mất dần nhiều thuộc tính ban đầu. Trong khi đó, người chăn nuôi chưa nhận thức đầy đủ giá trị của giống gà địa phương dẫn tới thực trạng xói mòn nguồn gen giống gà Mía gốc.

Những năm gần đây, ngành Chăn nuôi gia cầm nói chung đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của gia cầm nhập khẩu với số lượng lớn, giá rẻ hơn nhiều so với gia cầm nuôi trong nước. Ở thời điểm hiện nay, giá gà giảm sâu, trong khi đó chi phí thức ăn, nhân công tăng cao, khiến cho nhiều hộ dân không mặn mà với việc bảo tồn giống gà bản địa. Ông Nguyễn Quốc Quân, hộ chăn nuôi gà Mía ở thị xã Sơn Tây cho biết, hiện gà Mía chưa xây dựng được thương hiệu nên người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm của địa phương.

Nhằm tháo gỡ khó khăn về chất lượng, đầu ra sản phẩm, Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ gà Mía trên địa bàn thành phố, nhưng đáng tiếc còn bất cập chưa được giải quyết. Ví như, hiện nay người dân đang chăn nuôi theo nhiều quy trình và phương thức khác nhau, dẫn tới chưa kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm, chưa có hệ thống cửa hàng để bán và giới thiệu sản phẩm, khiến đầu ra không ổn định.

Để phát triển chăn nuôi giống gà Mía cần sự quan tâm vào cuộc từ nhiều phía trong việc nghiên cứu chọn lọc dòng gà Mía có khả năng sinh trưởng cao. Qua đó, bảo tồn nguyên vẹn vốn gen di truyền và tuyển lựa, duy trì, cải tạo nâng cao giá trị của các giống bản địa. Nhất là người chăn nuôi phải chú trọng khi lựa chọn con giống, không nên ham rẻ mua các loại giống không rõ nguồn gốc, dễ xảy ra dịch bệnh. Về phía cơ quan chuyên môn ngoài hỗ trợ kinh phí, vật tư, thuốc sát trùng, vắc xin phòng dịch cho công tác phát triển chăn nuôi gà Mía, cần tích cực hơn nữa trong việc xây dựng chuỗi chăn nuôi, tiêu thụ khép kín nhằm kiểm soát chất lượng, hạn chế việc sử dụng các loại kháng sinh, chất cấm...

Một yếu tố nữa quyết định trong công tác bảo tồn, phát triển giống gà Mía là thường xuyên mở các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật chăn nuôi, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết và kiến thức an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; xây dựng, triển khai quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cho các cơ sở đủ điều kiện an toàn dịch bệnh cũng như quy chế quản lý chuỗi đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm phù hợp với thực tiễn chăn nuôi, mở ra hướng phát triển bền vững cho chăn nuôi gà Mía chất lượng cao ở thị xã Sơn Tây và vùng lân cận. Các hộ dân cần liên kết với doanh nghiệp xây dựng chuỗi các cửa hàng tiện ích để giới thiệu sản phẩm; tuyên truyền quảng bá cho thương hiệu gà Mía đến người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lúng túng bảo tồn, phát triển giống gà Mía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.