Chuyện đó đây

Lung linh Lễ hội ánh sáng Diwali

Quỳnh Dương 31/10/2024 - 22:43

Đêm 31-10, người Ấn Độ đã tiến hành lễ kỷ niệm chính của Lễ hội ánh sáng Diwali. Đây là lễ hội quan trọng nhất trong năm ở Ấn Độ, đặc biệt là đối với phần lớn người theo đạo Hindu.

1-31-.jpg
Thành phố Ayodhya tràn ngập ánh sáng trong Lễ hội Diwali. Ảnh: The Indian Express

Năm nay, Lễ hội ánh sáng Diwali của người Hindu được khởi đầu bằng cách lập kỷ lục thắp sáng 2,51 triệu ngọn đèn dầu bằng đất sét trên bờ sông Saryu, nơi sinh của vị thần Rama.

Ngày 31-10, đại diện tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness đã trao tặng chứng nhận cho Bộ trưởng Chính quyền bang Uttar Pradesh Yogi Adityanath, ghi nhận số lượng đèn dầu chưa từng có được thắp sáng cùng một lúc vào đêm 30-10.

Những chiếc đèn được thắp sáng dọc theo 55 bậc thang ven khúc sông Saryu, thuộc thành phố Ayodhya, đã tạo nên một màn trình diễn hấp dẫn kéo dài 1,5 km. Khoảng 91.000 lít dầu mù tạt đã được sử dụng để thắp sáng đèn.

"Hơn 30.000 tình nguyện viên, chủ yếu là sinh viên đại học, đã làm việc tỉ mỉ để duy trì mô hình đốt đèn có hệ thống trong thời gian quy định", Tiến sĩ Pratibha Goyal, Phó hiệu trưởng của Đại học Tiến sĩ Ram Manohar Lohia Avadh, người điều phối màn trình diễn này cho biết.

Hơn 2,5 triệu chiếc đèn dầu cùng với chương trình chiếu laser mô tả các cảnh trong sử thi Ramayana và màn bắn pháo hoa đã biến Ayodhya thành một thành phố ánh sáng, thu hút nhiều tín đồ đạo Hindu và du khách tới tham quan.

Diwali được tổ chức vào tháng Ashwin (tháng 10) hoặc tháng Kartika (tháng 11) theo lịch của người Hindu. Lễ hội này ra đời với ý nghĩa tượng trưng cho những khởi đầu mới và chiến thắng của cái tốt trước cái xấu, của ánh sáng trước bóng tối. Diwali còn là dịp để người dân Ấn Độ rũ bỏ hiềm khích, cùng hòa vào niềm vui và cầu nguyện thần linh ban phát những điều tốt đẹp.

2-4-(1).jpg
Hơn 2,5 triệu ngọn đèn dầu được thắp sáng dọc bờ sông Saryu. Ảnh: Yahoo

Đối với người Ấn Độ, khi thắp sáng đèn bên ngoài cũng là lúc ý thức được thứ “ánh sáng bên trong” chính là bản tính chân thật, trường tồn... của mỗi cá nhân góp phần chiếu sáng, xua tan chướng ngại, đẩy lùi ngu muội, mang lại an vui, hòa bình. Trong dịp lễ, các gia đình thường tụ họp, trang hoàng nhà cửa với nhiều loại đèn chiếu sáng được trang trí trước nhà.

Tùy vào từng vùng ở Ấn Độ mà cách lý giải về nguồn gốc lễ hội ánh sáng Diwali hay còn gọi là Deepavali sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, nguồn gốc của lễ hội ánh sáng Diwali xuất phát từ tín ngưỡng về các vị thần. Điển hình như huyền thoại về chiến thắng của thần Krishna trước chúa quỷ Narakasura đã trở thành biểu tượng cho cái thiện thắng cái ác. Hay huyền thoại về Lakshmi, nữ thần của sự thịnh vượng và thần Ganesha, tượng trưng cho trí tuệ, hạnh phúc.

Ở một số nơi, Diwali còn được tổ chức để nhắc nhớ sự trở lại của thần Rama và vợ của ông, Sita sau khoảng thời gian 14 năm lưu đày về tới thành phố cổ đại Ayodhya. Theo tương truyền trong sử thi Ramayana, do Sita bị quỷ dữ Ravana bắt cóc, Rama đã quyết định lên đường giải cứu người vợ yêu quý của mình. Nhận được sự giúp đỡ của vị thần mang hình dáng của khỉ - Hanuman trên đường đi, Rama đã giành chiến thắng trước quỷ dữ và cứu sống Sita. Nhờ vào chiến công này, Rama và Sita đã được thần dân đón tiếp trong niềm hân hoan với đèn cháy sáng khi họ trở về vương quốc.

Lễ hội Diwali kéo dài trong 5 ngày, mỗi ngày sẽ có một tên gọi và ý nghĩa khác nhau với nhiều sự kiện. Ngày thứ nhất có tên gọi Dhanatrayodashi (hoặc ngày Dhan Tearas) được xem là ngày của sự thịnh vượng và giàu có. Ngày thứ hai - Naraka Chaturdashi hay Choti Diwali là thời điểm con quỷ Narakasura bị giết chết với ý nghĩa cái tốt chiến thắng cái xấu và ánh sáng chiến thắng bóng tối. Ngày thứ ba - Diwal, ngày của nữ thần Lakshmi Puja - vị thần của những khởi đầu tốt lành. Đây là ngày quan trọng và may mắn nhất trong dịp lễ hội. Ngày thứ 4 - Govardhan Puja (còn gọi là Annakut) - là lúc Krishna đánh bại Indra. Ngày cuối cùng - Bhaiya Duj hoặc Bhau Bee - là dịp gặp gỡ của các anh chị em trong gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lung linh Lễ hội ánh sáng Diwali

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.