Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, sáng 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu ý kiến tại phiên hop. (Ảnh : Dương Giang/TTXVN) |
Chính phủ đề nghị điều chỉnh quá nhiều!
Theo Tờ trình của Chính phủ, về điều chỉnh Chương trình năm 2014, Chính phủ đề xuất hai phương án về bổ sung Chương trình năm 2014. Cụ thể, phương án 1: Chính phủ đề nghị bổ sung 05 dự án vào Chương trình năm 2014. Phương án 2: Chính phủ đề nghị bổ sung 06 dự án vào Chương trình năm 2014. Theo phương án này thì dự án Luật dân số được đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2014 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (khác với phương án 1 là đưa dự án Luật này vào Chương trình năm 2015 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp chuyên đề, thông qua tại Kỳ họp thứ 10).
Mặt khác, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Lùi thời hạn trình dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, thông qua tại Kỳ họp thứ 10. Lí do được Chính phủ đưa ra là để có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa một số quy định mới của Hiến pháp trong hai dự thảo Luật nêu trên, bảo đảm tính khả thi và chất lượng của hai dự thảo Luật này.
Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, tháng 6/2013, Quốc hội ban hành Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, nhưng đến tháng 9/2013, tháng 10/2013 Chính phủ đã đề nghị điều chỉnh Chương trình và hiện nay Chính phủ tiếp tục đề nghị điều chỉnh. "Việc điều chỉnh Chương trình ở một khía cạnh nào đó là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, việc điều chỉnh như hiện nay là quá nhiều. Vì vậy, đề nghị Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan cần có kế hoạch, bố trí thời gian, cũng như các điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu.
Với đề nghị lùi thời hạn trình hai dự án Luật, Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhận xét, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình hai dự án này một kỳ họp Quốc hội là chậm so với tiến độ chung, so với yêu cầu trình Quốc hội xem xét cùng với các dự án luật về tổ chức. Bên cạnh đó, hai dự án Luật này còn liên quan đến nội dung của một số luật khác như Luật ngân sách nhà nước, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, Ủy ban Pháp Luật đề nghị giữ tiến độ việc trình Quốc hội dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương song chấp nhận lùi thời gian trình dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) một kỳ họp Quốc hội bảo đảm chất lượng chuẩn bị để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.
Không đồng tình tổ chức thêm 1 kỳ họp chuyên đề
Để bảo đảm tính khả thi của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, Chính phủ đề xuất hai phương án. Trong đó, phương án 1: Quốc hội tổ chức thêm 01 kỳ họp chuyên đề (bất thường) về công tác xây dựng pháp luật. Theo phương án này, Chính phủ đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 gồm 38 dự án được chia làm 03 kỳ họp: Kỳ họp thứ 9, Kỳ họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật và Kỳ họp thứ 10. Trong số này, có 36 dự án luật và 02 dự án pháp lệnh.
Phương án 2: Quốc hội chỉ họp 02 kỳ. Theo phương án này, Chính phủ đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 gồm 34 dự án, giảm 04 dự án so với Phương án 1 là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ; Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật đấu giá tài sản; Luật du lịch (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, có ý kiến tán thành tổ chức thêm một kỳ họp Quốc hội chuyên đề để xem xét, thông qua các dự án luật, phúc đáp yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp, nhưng đề nghị nếu tổ chức thêm kỳ họp chuyên đề thì phải bố trí lại thời gian tiến hành các kỳ họp cho phù hợp, như 3 kỳ họp bố trí tổ chức vào tháng 3, tháng 7 và tháng 11/2015. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị không tổ chức thêm kỳ họp chuyên đề với thời gian và số lượng các dự án như đề nghị của Chính phủ. Bởi tổ chức thêm 1 kỳ họp chuyên đề sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức Đại hội Đảng các cấp và các hoạt động bình thường khác; việc tổ chức thêm một kỳ họp sẽ kéo theo nhiều chi phí, nhất là chi phí đi lại của đại biểu; nếu tổ chức thêm một kỳ họp chuyên đề vào giữa các kỳ họp thường lệ thì chỉ có thể vào tháng 3 hoặc tháng 7 nên chỉ có 01 đến 02 tháng để cho ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý đối với khoảng 20 dự án luật sẽ không thể bảo đảm thời gian, nhất là sẽ không bảo đảm chất lượng...
Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị kéo dài kỳ họp thường lệ của Quốc hội để có thể cho ý kiến, thông qua được nhiều dự án hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, thêm một kỳ họp chuyên đề để làm Luật là một đề xuất hay, nhưng vấn đề là công tác soạn thảo chậm, không đạt yêu cầu đề ra, vì vậy có thể Quốc hội kéo dài thời gian họp để xây dựng luật tốt hơn./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.