Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản: Hổ dữ không răng!

Thanh Hà| 18/10/2015 07:29

(HNMO) - Khi những diễn biến trong nước và quốc tế hiện nay có thể sẽ cuốn Nhật Bản vào những xung đột với nước ngoài, thậm chí có nguy cơ bùng phát chiến tranh, liệu lực lượng phòng vệ nước này có đủ khả năng tham chiến?


Trong những năm đầu thế kỷ 20, Nhật Bản không chỉ là một quốc gia có quân đội mạnh mà còn dần chuyển mình thành một đất nước với “hàng trăm triệu trái tim cùng chung nhịp đập” – một đội ngũ hùng mạnh như trong những khẩu hiệu tuyên truyền thời chiến.

Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi sau Thế chiến thứ 2.

Từ tấn công sang phòng thủ

Thất bại hoàn toàn trong Thế chiến thứ 2, với tổng cộng 2,7 triệu quân nhân, cả nam và nữ ngã xuống, người Nhật đã không còn mặn mà với quân đội. Một hiến pháp mới được viết bởi người Mỹ, những người giành thắng lợi trong chiến tranh đã nghiêm cấm người Nhật tạo ra một lực lượng vũ trang thông thường và biến Nhật Bản trở thành một quốc gia hòa bình.

Tuy nhiên, sau khi cuộc chiến Liên Triều bùng nổ vào những năm 1950, người Mỹ bắt đầu lo lắng về lợi ích của mình tại châu Á và thúc giục Nhật Bản xây dựng lại lực lượng vũ trang. Để chống lại Trung Quốc, lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đã được thành lập. Đây là lực lượng mà cho tới ngày nay chưa từng bắn một phát đạn, ngay cả khi giận dữ nhất.

Vào thời điểm đó, bộ phim viễn tưởng Godzilla được trình chiếu khắc họa hình ảnh đội ngũ JSDF bất lực trong việc bảo vệ thủ đô Tokyo khỏi nanh vuốt của quái vật. Những người đàn ông trong bộ đồng phục JSDF thậm chí còn bị dân chúng ném đá khi đi tuần tra vào mỗi buổi sáng.

Bộ phim Godzilla từng khắc họa hình ảnh lực lượng phòng vệ Nhật Bản bất lực trước quái vật.


Trở thành anh hùng "bất đắc dĩ"


Vào cuối giai đoạn chiến tranh lạnh những năm 1990, lực lượng vũ trang Nhật Bản cuối cùng cũng đã có thể đánh bóng tên tuổi của mình, tất nhiên là không phải trên chiến trường, mà là trong vai trò của một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.

JSDF đã triển khai quân trong một thời gian ngắn tại miền Nam Iraq, thể hiện sự sẵn sàng hỗ trợ của một đồng minh Mỹ, mặc dù khi đó, họ vẫn phải dựa vào những lực lượng khác, bao gồm cả người Iraq. Trên thực tế, vào thời điểm đó, JSDF khó có thể sử dụng vũ lực bởi chỉ cần họ nổ một phát súng, dù là vô tình cũng sẽ trở thành tâm điểm chú ý của báo chí quốc tế.

JSDF cũng được ngợi ca trong công tác tìm kiếm cứu nạn, ví dụ như trận động đất Kobe-Awaji năm 1995 và thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.Đến ngày nay, đây vẫn là điều mà đại bộ phận người dân Nhật Bản hình dung về JSDF – một lực lượng cứu hộ trong thảm họa.

Trực thăng của JSDF cứu hộ nạn nhân lũ lụt.


Đến năm nay, nhiều thay đổi đã diễn ra dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Đảng Dân chủ Tự do. Hai dự luật an ninh gây tranh cãi đã được Quốc hội thông qua trong tháng 9, cho phép JSDF bảo vệ đồng minh ngay cả khi Nhật Bản không phải là mục tiêu bị tấn công.

Lực lượng chiến đấu hiệu quả

Hiện nay JSDF có nhiều tiềm năng để phát triển thành một lực lượng chiến đấu hiệu quả. Văn hóa Nhật Bản vốn coi trọng sự gắn kết nhóm, lên kế hoạch kỹ lưỡng và chú trọng tới từng chi tiết. Khi đặt trong môi trường quân sự công nghệ cao hiện nay thì đây là điều kiện lý tưởng để phát triển quân đội.

Trên thực tế, khi tiến hành công tác đào tạo và tập trận chung với JSDF hàng năm nhằm tăng cường tính chiến đấu, quân đội Mỹ thường rất ấn tượng với năng lực của những người đồng nhiệm Nhật Bản.

Xe tăng của JSDF diễn tập.


JSDF cũng trang bị những thiết bị tối tân nhất châu Á, bao gồm xe tăng chiến đấu thế hệ thứ 4, trực thăng tấn công Apache, máy bay do thám hiện đại và sẽ nhanh chóng trang bị máy bay tấn công thế hệ thứ 5.

JSDF sẽ sớm tham chiến?

Mặc dù những diễn biến trong nước và quốc tế hiện nay có thể sẽ cuốn Nhật Bản vào những xung đột với nước ngoài, thậm chí có nguy cơ bùng phát chiến tranh, nhưng JSDF cần phải hội đủ 3 điều kiện mới có thể tham gia hỗ trợ đồng minh.

-Sự sống còn của đất nước Nhật Bản gặp rủi ro.
-Tất cả các phương pháp phi quân sự đều không phát huy tác dụng.
-Việc sử dụng lực lượng bị giới hạn ở mức tối thiểu để ngăn chặn kẻ thù xâm lược.

Ngoài ra, JSDF có thể giải cứu các lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ hoặc công dân Nhật Bản gặp nguy hiểm. Trong những trường hợp này, họ được phép sử dụng vũ khí chứ không bị giới hạn trong hai chữ “phòng vệ”.

JSDF cũng trang bị tàu ngầm tối tân.


Hiện nay, Nhật Bản không bị bắt buộc hỗ trợ Mỹ trong các cuộc xung đột, bởi cả hai quốc gia chưa ký kết hiệp ước quốc phòng song phương nào. Vì thế, việc Nhật Bản có cùng tham chiến để hỗ trợ Mỹ trong tương lai hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Có lẽ, JSDF vẫn sẽ chẳng bao giờ nổ súng, trừ khi Trung Quốc nỗ lực xâm lược đất nước mặt trời mọc, hoặc Triều Tiên triển khai tên lửa nhằm thẳng vào Tokyo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lực lượng phòng vệ Nhật Bản: Hổ dữ không răng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.