(HNM) - Theo các chuyên gia, việc nỗ lực cải cách các thủ tục pháp lý trong lĩnh vực BĐS mới là
Cải cách thủ tục pháp lý, tăng tính minh bạch sẽ giúp thị trường bất động sản hấp dẫn các nhà đầu tư hơn. |
Những tín hiệu khả quan
Theo Tổng cục Thống kê, kinh doanh BĐS nằm trong nhóm các ngành, lĩnh vực có số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và vốn đăng ký tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số DN BĐS tăng 43,4%, vốn đăng ký tăng 63,8%. Hai tháng qua đã có 146 DN BĐS hoạt động trở lại, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2016.
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, lĩnh vực BĐS chiếm vị trí thứ hai trong tổng số vốn FDI rót vào nước ta trong hai tháng vừa qua với tổng vốn lên tới 52,4 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư. Số liệu của Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cũng cho thấy, tính đến ngày 20-2, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 29.573 tỷ đồng, giảm 21.316 tỷ đồng (41,89%) so với tháng 12-2016.
Tại Hà Nội, tổng số tồn kho trên địa bàn còn khoảng 5.538 tỷ đồng, so với tháng 12-2016, giảm 52 tỷ đồng và so với tháng 1 giảm 27 tỷ đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, tồn kho cũng giảm 283 tỷ đồng so với tháng 12-2016 và giảm 105 tỷ đồng so với tháng 1 vừa qua. Những số liệu trên cho thấy, thị trường BĐS không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước mà còn đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhận xét về việc dòng vốn FDI "chảy" vào lĩnh vực BĐS, các chuyên gia trong lĩnh vực này đều cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là tìm cách biến số vốn đầu tư đăng ký thành hiện thực. Trong đó, cần nhanh chóng cởi “nút thắt” chính sách và quy hoạch. Bởi, nguồn vốn FDI đóng vai trò khá quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc nguồn vốn ngoại chảy vào BĐS không những làm tăng thêm sức mạnh cho nền kinh tế, mà còn tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Trên thực tế, DN BĐS Việt Nam không mạnh bằng DN nước ngoài. Vì thế, tư tưởng hãm lại việc tăng luồng vốn FDI vào thị trường BĐS đã diễn ra. Tuy nhiên, nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách là tạo mọi thuận lợi về pháp lý để FDI "chảy" vào Việt Nam. Có như vậy, DN BĐS Việt Nam mới có thể lớn mạnh và có đủ sức mạnh cạnh tranh với các DN đến từ nước ngoài.
Cải cách để tăng "lực hấp dẫn"
Thực tế thời gian qua cho thấy, thị trường BĐS Việt Nam luôn chứa đựng nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, như dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu nhà ở nhiều, tính đa dạng của hàng hóa theo nhu cầu của thị trường cao. Đặc biệt, thị trường với gần 100 triệu dân trong độ tuổi lao động và có thu nhập bình quân ngày càng tăng chính là "mảnh đất" màu mỡ để các DN kinh doanh BĐS rót vốn đầu tư. Thế nhưng, theo GS Đặng Hùng Võ, việc biến số vốn đầu tư đăng ký vào lĩnh vực BĐS trở thành hiện thực không đơn giản.
Tại buổi công bố kết quả cuộc bình chọn những quy định pháp luật tốt và chưa tốt 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố mới đây cho thấy, lĩnh vực BĐS có tới 8/30 quy định pháp luật được bình chọn tốt nhất. Kết quả bình chọn là sự ghi nhận của cộng đồng DN đối với những nỗ lực từ các cơ quan nhà nước trong việc làm cho môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có lĩnh vực BĐS trở nên thuận lợi hơn. Thế nhưng, trên thực tế, thủ tục hành chính vẫn còn là trở ngại khiến các nhà đầu tư nước ngoài e dè khi rót vốn vào thị trường BĐS Việt Nam.
Chính vì vậy, việc tích cực cải cách các thủ tục pháp lý trong lĩnh vực BĐS chính là "lực đẩy" quan trọng giúp thị trường trở nên minh bạch, hấp dẫn hơn. Theo GS Đặng Hùng Võ, số vốn FDI đổ vào BĐS hai tháng qua đã cho thấy độ hấp dẫn của thị trường. Đây cũng là dấu hiệu tích cực cho thấy tiềm năng của thị trường BĐS Việt Nam. Song, nếu thực hiện được 1/3 trong tổng vốn đăng ký này thì mới có thể đem lại kỳ vọng thực sự cho thị trường BĐS.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cũng cho rằng, Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện rõ tinh thần và quyết tâm đổi mới, mà quan trọng nhất là việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ. Việc công bố các thủ tục pháp lý tốt và chưa tốt trong đó có thủ tục trong BĐS chính là thước đo về mức độ cải cách các thủ tục pháp lý nói chung và lĩnh vực BĐS nói riêng. Hy vọng các bộ, ngành sẽ khẩn trương, cầu thị xem xét, sửa đổi các quy định được bình chọn là kém nhất, lấy sự hài lòng của người dân và DN làm mục tiêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.