(HNM) - Cùng với khôi phục sản xuất, hoạt động thương mại đang được đẩy mạnh với những giải pháp đồng bộ ngay khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư được kiểm soát. Sự hồi phục và bứt phá của thị trường bán lẻ nội địa từ nay tới cuối năm 2021 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế.
Thị trường “ấm“ lại
Những ngày này, 48 cửa hàng và 2 nhà máy, với gần 900 cán bộ, công nhân của Công ty cổ phần Thời trang GenViet tại khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam nhộn nhịp không khí sản xuất, kinh doanh. Giám đốc marketing Công ty cổ phần Thời trang GenViet Nguyễn Đức Hùng thông tin: “Ngay khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, chúng tôi đã tái khởi động toàn bộ hệ thống cửa hàng kèm các chương trình ưu đãi, kích cầu tiêu dùng, tập trung kinh doanh nhằm bù đắp cho các tháng phải nghỉ do giãn cách xã hội và lấy lại đà tăng trưởng”.
Đánh giá sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới” sức mua sẽ sớm hồi phục, hệ thống siêu thị VinMart/VinMart+ cũng chủ động tổ chức các chương trình tuần hàng theo nhiều chủ đề, trong đó tập trung vào nhóm nhu yếu phẩm. “Hệ thống VinMart/VinMart+ đã tăng cường kết nối với các địa phương trên cả nước để thu mua nông sản chất lượng cao, đồng thời tổ chức khuyến mại kích thích sức mua của người dân”, Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc Khúc Tiến Hà cho hay.
Ngay sau khi các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 được nới lỏng, hầu hết hệ thống phân phối, bán lẻ, các cửa hàng lớn, nhỏ đã nhanh chóng trở lại kinh doanh. Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9-2021 tăng 6,5% so với tháng 8-2021. Còn Sở Công Thương Hà Nội cho biết, cùng với việc ban hành hướng dẫn các cơ sở thương mại, dịch vụ thực hiện các quy định bảo đảm kinh doanh an toàn, Sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố đôn đốc các trung tâm thương mại, siêu thị… thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, đồng thời tiếp tục bảo đảm nguồn hàng, bình ổn giá cả. Tuy còn nhiều khó khăn song thực tế cho thấy, hoạt động bán lẻ hàng hóa đang dần “ấm” lại với nhiều tín hiệu khả quan, là động lực quan trọng để khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Kích cầu tiêu dùng nội địa
Thời gian tới, nhu cầu mua sắm hàng hóa được dự báo sẽ tăng cao. Bộ Công Thương dự kiến sức mua tăng từ nay tới cuối năm 2021 sẽ bù đắp cho quý III vừa qua, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm 2021 tăng khoảng 3-4% so với năm 2020.
Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc Khúc Tiến Hà cho hay, hệ thống VinMart/VinMart+ sẽ tăng sản lượng hàng hóa, tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, các tuần lễ hàng hóa thiết yếu định kỳ 2 lần/tháng, với nhiều ưu đãi. Trong khi đó, theo đại diện Công ty cổ phần Thời trang GenViet, để đến gần hơn với người tiêu dùng, công ty sẽ đa dạng mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu nhiều phân khúc khách hàng. Ngoài hệ thống cửa hàng và website hiện có, công ty sẽ mở rộng mạng lưới phân phối, đưa sản phẩm lên kệ của các siêu thị, nhà phân phối trung gian, đại lý…
Với kế hoạch cụ thể cho mùa mua sắm cuối năm, Sở Công Thương Hà Nội cho biết sẽ triển khai 43 sự kiện lớn nhằm kích cầu thị trường nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố.
Sở cũng triển khai 15 nội dung của "Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội" năm 2021 ngay trong tháng 11 tới, khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng để tăng sức mua.
“Từ nay đến cuối năm 2021, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường quảng bá, kết nối để đưa hàng hóa Việt Nam vào các hệ thống phân phối, đồng thời thực hiện 26 sự kiện lớn triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2021 trên địa bàn thành phố”, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin.
Theo Bộ Công Thương, năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường nội địa đã phát huy vai trò là "bệ đỡ" của nền kinh tế. Vì vậy, từ nay đến cuối năm 2021, bên cạnh việc theo dõi sát diễn biến dịch Covid-19 và cung cầu, giá cả hàng hóa thiết yếu, Bộ sẽ triển khai nhiều giải pháp kích cầu, đẩy mạnh thị trường nội địa. Tiêu biểu như chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”, các chương trình bình ổn, kích cầu dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022… Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, các giải pháp nêu trên nhằm tăng tổng cầu, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kết nối giữa người mua và người bán, giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa thuận lợi, giá rẻ.
Nhấn mạnh tới vai trò của thương mại điện tử trong tiêu dùng nội địa, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền nêu quan điểm: “Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại, thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu, căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, bảo đảm lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.