Công nghệ

Luật Viễn thông (sửa đổi) siết quản lý dịch vụ OTT, đấu giá số điện thoại

Bảo Hân 24/11/2023 - 09:21

Sáng 24-11, tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).

Luật Viễn thông (sửa đổi) được thông qua gồm 10 chương, 73 điều, quy định về hoạt động viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông.

Một trong những điểm mới của Luật Viễn thông (sửa đổi) là quy định về quản lý các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông).

Trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là một loại dịch vụ viễn thông, được điều chỉnh trong Luật Viễn thông.

Tuy nhiên, dịch vụ này có đặc điểm là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không sở hữu hạ tầng mạng, không được phân bổ tài nguyên viễn thông nên dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định theo phương thức “quản lý nhẹ”, chỉ phải tuân thủ một số quy định về nghĩa vụ như tại Khoản 2 Điều 28.

le-quang-huy.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Quy định về tài nguyên viễn thông, thảo luận về dự thảo Luật tại Kỳ họp, có ý kiến đề nghị những số thuê bao dịch vụ viễn thông cũng cần được chia ra các nhóm để đánh giá đúng giá trị, giảm thiểu trường hợp bỏ cọc khi đấu giá và giao Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết; đề nghị giải trình các biện pháp để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá kho số viễn thông…

Về những nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ quy định về đấu giá kho số viễn thông như trong dự thảo Luật. Lý do là việc đánh giá để phân nhóm theo giá trị các số thuê bao có cấu trúc đặc biệt là khó khả thi vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quan niệm của người sử dụng, vùng, miền.

Việc người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc là một vấn đề đang xảy ra trong việc đấu giá các loại tài sản đấu giá hiện nay, như: Đất đai, biển số xe ô tô... Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định người trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (điểm b khoản 2 Điều 48). Trường hợp bỏ tiền đặt cọc là vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và thực hiện theo pháp luật về dân sự.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định mức giá khởi điểm phù hợp khi tham gia đấu giá để hạn chế rào cản, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ đấu giá theo phương thức trả giá lên đối với đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Khoản 6 Điều 50 của Luật theo hướng bổ sung quy định phương thức, hình thức đấu giá kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản để thống nhất với Điều 58 Luật Đấu giá tài sản về phương thức trả giá lên.

Luật Viễn thông (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024.

Riêng quy định về cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (tại Điều 28 và Điều 29) và quy định về nộp phí duy trì sử dụng số hiệu mạng, lệ phí đăng ký sử dụng số hiệu mạng (tại Điểm d Khoản 9 Điều 50, Khoản 3 Điều 71) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Luật Viễn thông (sửa đổi) siết quản lý dịch vụ OTT, đấu giá số điện thoại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.