Công nghệ

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về đấu giá kho số viễn thông

Bảo Hân 25/10/2023 - 20:16

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã nghiên cứu về giá khởi điểm trong đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên internet sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Vấn đề này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, chiều 25-10, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi).

Bảo vệ quyền lợi người sử dụng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin

le-quang-huy.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi).

Theo đó, về đề nghị cân nhắc việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với ba dịch vụ mới là dịch vụ OTT viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật điều chỉnh ba dịch vụ mới so với Luật Viễn thông năm 2009 là cần thiết.

Với dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, pháp luật Việt Nam quy định tương đối hoàn chỉnh về bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu. Vì vậy, quản lý các dịch vụ này ở mức độ phù hợp nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Dịch vụ OTT viễn thông là dịch vụ không có hạ tầng mạng, người sử dụng dễ dàng thay đổi nhà cung cấp, thị trường có khả năng tự điều tiết.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Luật quy định quản lý các dịch vụ này có độ mở, linh hoạt, không cản trở việc cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Các quy định trong dự thảo Luật chủ yếu nhằm bảo vệ quyền lợi người sử dụng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Về đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên internet, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định các loại tài nguyên viễn thông cấp qua hình thức đấu giá, quy định cách thức xác định giá khởi điểm cho từng loại tài nguyên trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế và mức tiêu dùng của người dân.

Theo đó, giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao di động được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn, xử lý SIM không đúng thông tin thuê bao, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo. Đồng thời, để tăng cường các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng.

dbqh.jpeg
Các đại biểu Quốc hội trong chiều làm việc 25-10.

Đấu giá kho số viễn thông tham khảo từ thí điểm đấu giá biển số xe ô tô

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ, tại hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, tiếp thu đầy đủ, chi tiết ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước về viễn thông, bảo đảm an toàn thông tin, các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông, kinh doanh viễn thông, quản lý thị trường viễn thông, dịch vụ điện toán đám mây, Quỹ viễn thông công ích, công trình viễn thông, quy hoạch đất sử dụng cho công trình viễn thông, quản lý sim rác… cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) góp ý về một số nội dung cụ thể liên quan đến bảo đảm bí mật thông tin. Dự thảo Luật quy định người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin thuê bao sau khi doanh nghiệp viễn thông đã thông báo rõ ràng công khai bằng hình thức phù hợp với người sử dụng về mục đích, phạm vi thu thập, sử dụng thông tin.

Theo đại biểu, quy định như vậy chưa phù hợp, cần cân nhắc theo hướng không nên quy định việc này cho doanh nghiệp viễn thông mà nên quy định trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc chia sẻ, bảo mật thông tin với điều kiện đã được trang bị thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, kiểm soát người sử dụng bị khai thác thông tin, dẫn đến lộ lọt thông tin cá nhân.

Quan tâm về quy định đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) đồng tình với quy giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao di động được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá tính cho một ngày.

Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều số thuê bao có giá trị cao so với giá khởi điểm. Do đó, đại biểu cho rằng, cần phân nhóm trong số có giá trị tiềm năng cao vì vừa tăng thu ngân sách, vừa giảm số lượng người trúng đấu giá mà không lấy. Nếu không phân nhóm sẽ xảy ra nhiều trường hợp bỏ cọc khi nhiều số trúng đấu giá lên tới vài chục, vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Người trúng đấu giá sau đó thấy không phù hợp với nhu cầu thì họ sẽ trả lại số đấu giá và chỉ mất cọc tương đương với 262 nghìn đồng.

nguyen-van-canh.jpeg
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định).

Tham khảo từ việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị nên quy định cụ thể việc phân nhóm số thuê bao. Số thuê bao di động sau khi đấu giá không thành ở các nhóm sẽ được chuyển xuống nhóm có mức giá khởi điểm thấp hơn để tiếp tục đấu giá. Số ở nhóm có mức giá khởi điểm thấp nhất sau khi đấu giá không thành sẽ được phân bổ trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Phiên thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu về việc cần quy định trách nhiệm của các nhà mạng khi thực hiện việc chuyển mạng giữ số; điều chỉnh quy định về khái niệm dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet; cần đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Viễn thông với các luật liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế…

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội ghi nhận các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của đại biểu Quốc hội đóng góp hoàn thiện dự thảo luật. Các ý kiến góp ý sẽ được tiếp thu, giải trình đầy đủ trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Về quy định đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên internet, đây là xu hướng phát triển, vấn đề này không chỉ được điều chỉnh trong Luật Viễn thông mà cả trong Luật Tần số vô tuyến điện. Cơ quan soạn thảo và thẩm tra cũng đã nghiên cứu thêm về giá khởi điểm sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, vấn đề này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện bảo đảm quy định pháp luật có liên quan, trong đó có pháp luật về đấu giá.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về đấu giá kho số viễn thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.