Sau Pháp lệnh Thủ đô (2000), Luật Thủ đô được ban hành năm 2012, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Đây là văn bản pháp lý có tính đặc thù, thể hiện sự quan tâm của cả nước với Thủ đô.
Phóng viên Hà Nội Ngày nay đã lược trích những ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của các chuyên gia, nhà quản lý nhằm xây dựng Luật Thủ đô có tính khoa học, thực tiễn, tạo cơ chế đổi mới góp phần phát triển Thủ đô xứng tầm với vị trí, vai trò mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho.
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:
Thực hiện bài bản, đồng bộ, khoa học
Quá trình triển khai nghiên cứu xây dựng dự án Luật sửa đổi vừa qua, Hà Nội đã thực hiện bài bản theo quy trình đồng bộ, khoa học với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự tham gia của các bộ, ngành (nhất là Bộ Tư pháp), của nhân dân và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Đây là kết quả thể hiện sự quyết tâm của cả cộng đồng. Tuy nhiên, dự thảo Luật Thủ đô cũng bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, tại Điều 21 về Biện pháp đảm bảo thực hiện quy hoạch, Tại khoản 1: Đề cập đến yêu cầu di dời trong đô thị trung tâm là chưa hiểu đầy đủ về ranh giới đô thị trung tâm. Hiện nay, đô thị trung tâm bao gồm nội đô lịch sử, nội đô mở rộng (vành đai 2 đến sông Nhuệ), khu mở rộng phía Bắc và Nam sông Hồng. Tôi đề nghị chỉ xác định với nội đô lịch sử.
Tại Điều 22, mục Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng, một số từ ngữ sử dụng không khoa học, có sự bất cập với một số luật liên quan nên cần được rà lại. Cụ thể là từ “phát huy hình thái kiến trúc” chỉ nêu rõ tại điều 5, điều 10, điều 11 Luật Kiến trúc (2019). Tôi đề nghị nếu không thể nêu cụ thể hết vì quá nhiều nội dung thì chỉ cần quy định: “Phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống”. Tiếp đó, việc quy định về không gian, cảnh quan khu vực hai bên sông Hồng là chưa đủ, vì đây chỉ là trục không gian cảnh quan trung tâm. Còn các không gian, cảnh quan, các dòng sông khác cũng cần được quan tâm. Việc phát triển theo định hướng giao thông công cộng TOD là nội dung có tác động đến không gian kiến trúc, cảnh quan. Trong quy định chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã xác định 4 chính sách cụ thể. Song, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có sự khác nhau trong phát triển nội đô lịch sử. Vì vậy, cần giao cụ thể để Hà Nội nghiên cứu nhằm vừa phát triển vừa bảo tồn di sản.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Luân - Trường Đại học Thủy lợi:
Bổ sung cơ chế giao tiếp giữa chính quyền và người dân
Qua nghiên cứu thực tiễn và xem xét những điểm bất cập tại Luật Thủ đô năm 2012, tôi thấy rằng, cơ chế giao tiếp giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp tại đô thị khác nhiều so với nông thôn. Nếu như tại các vùng nông thôn, cán bộ chính quyền địa phương cũng đồng thời là hàng xóm của người dân nên cơ chế giao tiếp tương đối dễ dàng, thân thiện. Tại các đô thị, do số lượng dân cư đông, các hộ gia đình sống tách biệt, chuyển chỗ ở thường xuyên nên chính quyền cần có cơ chế khác để tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, từng cơ quan trong bộ máy chính quyền Thủ đô đã có cơ chế riêng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, mô hình này khó phát huy hiệu quả do chưa thực sự chuyên nghiệp, thiếu cơ chế giám sát việc thực hiện kiến nghị.
Một số đô thị lớn trên thế giới đã thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện việc tiếp nhận ý kiến của người dân và doanh nghiệp về những vấn đề đô thị. Các vấn đề được người dân phản ánh rất đa dạng, từ việc lấn chiếm vỉa hè, xây dựng trái phép, đèn giao thông bị hỏng, lối đi bố trí không hợp lý, thiếu điểm đỗ xe bus, cửa hàng làm ồn, đỗ xe chắn lối đi, trộm cắp tài sản, cây đổ, đổ trộm rác thải... Trung tâm này tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp một cách rất thân thiện thông qua điện thoại, website và ứng dụng. Trung tâm sẽ ghi nhận các vấn đề phản ánh vào cơ sở dữ liệu chung rồi phân loại, chuyển đến cho ngành phụ trách và theo dõi việc xử lý nội dung đã phản ánh. Một cơ chế như vậy có thể giúp cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền và cư dân, đồng thời giúp giải quyết tốt các vấn đề đô thị. Do đó, cơ quan soạn thảo có thể nghiên cứu bổ sung một cơ chế tương tự vào Dự thảo Luật Thủ đô để có cơ sở pháp lý thực hiện.
Tiến sĩ Hoàng Ly Anh - Trường Đại học Luật Hà Nội:
Nội dung phân cấp, phân quyền đã được ghi nhận
Việc phân cấp, phân quyền cho Thủ đô Hà Nội trong các lĩnh vực, trong đó có phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã có cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ: “Đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả sự phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Củng cố, hoàn thiện hệ thống chính quyền địa phương; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương”. Hiện nay, vấn đề phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương đã được quy định tại các văn bản quan trọng như Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và một số văn bản pháp luật có liên quan...
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định về phân cấp, phân quyền cho Thủ đô Hà Nội trong lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số với nội dung được tập trung ghi nhận từ khoản 4 đến khoản 7, Điều 25. Việc quy định phân cấp, phân quyền cho Thủ đô Hà Nội nhằm “giúp Thủ đô phát huy được ưu thế, chủ động trong việc quy định và thực hiện các cơ chế hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo cơ chế để Thủ đô phát triển”. Vì vậy, quy định về phân cấp, phân quyền cho Thủ đô Hà Nội trong lĩnh vực phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong Dự thảo là hết sức cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.