Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật sư Lê Thị Thu Hương: Vi phạm quyền tác giả sẽ đẩy lùi sự sáng tạo của các nghệ sĩ

Trà Giang| 17/09/2021 14:25

(HNMCT) - Sở hữu trí tuệ được coi là điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo, trong đó có công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, các ngành văn hóa và sáng tạo của Việt Nam đã, đang gặp phải rất nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với luật sư Lê Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty luật TNHH T2H xung quanh vấn đề này.

Luật sư Lê Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty luật TNHH T2H.

- Thưa luật sư, sở hữu trí tuệ được đánh giá là một trong những vấn đề quan trọng quyết định việc thực hiện thành công công nghiệp văn hóa. Bà có thể giải thích rõ hơn về điều này?

- Công nghiệp sáng tạo là các ngành kinh tế dựa trên sự sáng tạo, kỹ năng và tài năng của cá nhân với tiềm năng tạo ra của cải và việc làm thông qua phát triển sở hữu trí tuệ. Như vậy, tài sản trí tuệ chính là đặc tính quan trọng nhất tạo ra giá trị sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp sáng tạo - công nghiệp văn hóa.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả không chỉ tạo ra lợi ích cho người sở hữu, mà còn mang lại lợi ích cho xã hội, người dân được hưởng lợi từ giá trị kinh tế đến giá trị văn hóa và thẩm mỹ là kết quả của ngành công nghiệp sáng tạo. Với cơ chế bảo vệ phù hợp nhận được từ pháp luật và xã hội, người đầu tư và tác giả sẽ yên tâm để sáng tạo tiếp, làm giàu cho chính họ và cho xã hội.

- Trên thực tế, vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra ở mức báo động. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam như thế nào?

- Vi phạm bản quyền phim và các chương trình truyền hình trên internet diễn ra ngày càng phức tạp, có xu hướng gia tăng, việc bảo vệ thành quả nghệ thuật là rất khó khăn. Gần đây, hành vi xem phim lậu của người dùng tại Việt Nam diễn ra phổ biến vì người dùng có thể truy cập vô hạn vào những phương tiện cho phép họ thực hiện hành vi bất hợp pháp mà không gây tổn hại hay mất bất kỳ chi phí nào để được xem phim. Do vậy, có thể có những người dùng biết rằng họ đang tiếp tay cho hành vi xâm phạm bản quyền nhưng họ vẫn làm vì nó không gây ảnh hưởng gì đến họ. Chính vì vậy, tài sản trí tuệ ở Việt Nam chưa được nhiều người hiểu và coi trọng, và những hành vi xâm phạm như trên sẽ đẩy lùi sự sáng tạo của các nghệ sĩ, hạn chế sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam.

- Từ thực tế làm nghề, bà thấy vi phạm này chủ yếu do đâu?

- Nguyên nhân thứ nhất là nhận thức pháp luật của người dân về quyền sở hữu trí tuệ chưa cao. Bản quyền sở hữu trí tuệ vẫn là một cái gì đó xa lạ với người dân. Nhiều người có thói quen sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ những cơ sở sản xuất có vi phạm bản quyền. Người ta sẵn sàng chia sẻ các cuốn sách dưới dạng PDF, sẵn sàng download và nghe các bản nhạc sao chép trên internet, phát tán phim lên YouTube ngay khi vừa ra rạp... Đáng nói, một bộ phận trong giới trẻ còn cho rằng việc xem phim lậu không có gì là sai. Bằng lối suy nghĩ đó, người dùng đã dung túng cho các hành vi vi phạm bản quyền tại Việt Nam.

Nguyên nhân thứ hai là do các đối tượng xâm phạm bản quyền có thủ đoạn rất tinh vi. Đối tượng vi phạm thường sử dụng tên miền nước ngoài, giấu địa chỉ IP. Một số cá nhân đăng ký sử dụng tên miền nước ngoài thông qua đại lý ở Việt Nam, nhưng số khác lại trực tiếp đăng ký thẳng với nước ngoài, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Nguyên nhân thứ ba là pháp luật bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ở nước ta còn hạn chế về trình tự xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Để xử lý một cá nhân hay tổ chức xâm phạm phải trải qua rất nhiều thủ tục để chứng minh hành vi xâm phạm đó.

- Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả không chỉ tạo ra lợi ích cho người sở hữu mà còn mang lại lợi ích cho xã hội, tuy nhiên nhiều người vẫn vì chút lợi nhỏ trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài. Theo bà, đâu là giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề này?

- Theo tôi, để giải quyết vấn đề vi phạm quyền tác giả tại Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp xâm phạm bản quyền tác giả. Tuy nhiên, giải pháp triệt để và bền vững vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức để người dân thấy được tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng cũng như lợi ích của người dân khi chính họ là người góp phần bảo vệ quyền tác giả.

- Về vấn đề luật và thực thi luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay, theo bà, có những vấn đề gì cần lưu ý?

- Trải qua 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã tạo môi trường pháp lý lành mạnh, bảo hộ và khai thác có hiệu quả các tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Luật đã phát sinh những vướng mắc nhất định và chưa đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 199, tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta có chiều hướng gia tăng do phần lớn vụ việc chỉ bị xử lý hành chính với mức phạt không cao, dẫn đến sự kém hiệu quả trong đấu tranh, xử lý vi phạm. Hơn nữa, hiện chưa có nhiều tổ chức giám định sở hữu trí tuệ trong việc giúp các cơ quan thực thi pháp luật xác định hành vi xâm phạm. Chính vì vậy mà tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn chưa dứt điểm; tình trạng đạo văn, vi phạm bản quyền tác giả tràn lan; vẫn còn hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền, quảng cáo hàng hóa xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ...

- Có những bài học nào từ các nước mà chúng ta có thể học tập không, thưa luật sư?

- Vấn đề sở hữu trí tuệ đã được nhiều nước chấp hành rất nghiêm túc và đạt được sự đồng thuận cao từ người dân. Tại Hàn Quốc, vấn đề về bản quyền được đưa vào hệ thống trường học từ cấp 1 đến cấp 3. Để giải quyết nạn phát tán và xem phim lậu bất hợp pháp, chính phủ Ấn Độ đã giảm thuế dịch vụ, từ đó giảm giá vé xem phim để khuyến khích người dân tôn trọng bản quyền, người dùng ở Ấn Độ thậm chí sẽ phải vào tù nếu như cố tình truy cập hoặc phát tán phim lậu trên nền tảng internet khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền bộ phim.

- Trân trọng cảm ơn luật sư!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Luật sư Lê Thị Thu Hương: Vi phạm quyền tác giả sẽ đẩy lùi sự sáng tạo của các nghệ sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.