Nghị quyết và Cuộc sống

Phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương: Hiệu quả thực tiễn tại Hà Nội

Tiến Thành 25/02/2025 - 06:11

Hiệu quả từ quá trình thực hiện của Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua đã cho thấy, quy định phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là khả thi, phù hợp với thực tiễn quản lý, quản trị tại địa phương.

phan-1.jpg
Hà Nội đã triển khai Đề án đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cải cách thủ tục hành chính một cách bài bản, khoa học. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” UBND huyện Mỹ Đức. Ảnh: Quang Thái

Kinh nghiệm “làm từ trên xuống”

Các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ chín đã cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã tích hợp về phân định các chế định về phân cấp, phân quyền đã được ghi nhận ở các luật như Luật Thủ đô năm 2024 hoặc các nghị quyết có liên quan đến các mô hình tổ chức phân cấp, phân quyền của các nghị quyết trong thời gian qua đối với một số thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương.

Thực tế, Hà Nội đã triển khai Đề án đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cải cách thủ tục hành chính một cách bài bản, khoa học từ cuối năm 2022. Đến nay, thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền 136 nhiệm vụ quản lý nhà nước. Toàn thành phố có 578 phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính.

Việc phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao trình độ và năng lực thực thi công vụ, tính chuyên nghiệp, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô bước đầu mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ, để làm được việc này thì kinh nghiệm của Hà Nội là “làm từ trên xuống”. Thành phố đã thành lập tổ công tác riêng, phân tích kỹ lưỡng, khoa học và áp dụng với tinh thần “vừa làm, vừa sửa”. "Đến thời điểm này, thực sự việc phân cấp, ủy quyền đã đi vào cuộc sống", đồng chí Trần Sỹ Thanh khẳng định.

Trên cơ sở phân cấp, ủy quyền, Hà Nội đã ban hành chức năng nhiệm vụ của các sở, ngành, các cơ quan tương đương, phù hợp với thực tiễn và phân cấp, ủy quyền. Thành phố cũng đã rà soát và xác định vị trí việc làm của toàn bộ các đơn vị với 2.687 đề án về vị trí việc làm đã được phê duyệt, ban hành. Cùng với việc Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực, trong năm 2025, Hà Nội sẽ xác định cụ thể tịnh biên biên chế phù hợp với quy mô, đặc thù của Thủ đô để nâng cao hiệu quả công việc, nguồn lực con người và tài chính, gắn với sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị.

phan-2.jpg
Việc đầu tư xây dựng các trường trung học phổ thông của thành phố Hà Nội được phân cấp, chuyển giao cho các quận, huyện, thị xã giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án. Trong ảnh: Lễ khánh thành Trường Trung học phổ thông Dương Xá (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ánh Dương

Tiếp tục phân cấp, phân quyền tối đa

Với các quy định về phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Hà Nội xác định sẽ triệt để cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền tối đa theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Theo đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao khả năng tự lực, tự cường, trách nhiệm quản trị địa phương; trong đó xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu thể hiện rõ khả năng tự chủ, tự cường của mỗi đơn vị. Đơn cử vừa qua, UBND thành phố thống nhất phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện trong việc tổ chức thực hiện một số quy hoạch với yêu cầu phát huy tinh thần trách nhiệm, bảo đảm chất lượng và tiến độ nhanh nhất.

Hà Nội cũng sẽ bảo đảm vai trò chủ đạo, sự quản lý thống nhất của chính quyền thành phố; tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành; khai thác và giải phóng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các quận, huyện, thị xã đã tự bảo đảm ngân sách.

Về vấn đề này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, kinh nghiệm từ Hà Nội cho thấy cần bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Thủ đô; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị địa phương trong bối cảnh các quận, huyện, thị xã được phân cấp mạnh mẽ.

Để bảo đảm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền, tránh lạm dụng, ủy quyền tràn lan mà một số đại biểu Quốc hội lo ngại khi đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại kỳ họp bất thường lần thứ chín, Luật Thủ đô năm 2024 đã giao HĐND thành phố Hà Nội quy định chi tiết phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện các nội dung được phân cấp, ủy quyền theo quy định của luật.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024 để sớm hiện thực hóa những chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy quá trình phát triển Thủ đô bền vững, cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025. Đặc biệt, một số nghị quyết cá biệt giao triển khai cụ thể Luật Thủ đô tới đây tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp huyện. Thực tiễn tại Hà Nội đã chứng minh chủ trương phân cấp, phân quyền đang đi vào cuộc sống nhanh chóng và hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy:
Phân cấp, ủy quyền song hành với giao thủ tục thực hiện

phuong-thuy.jpg

Phân cấp, ủy quyền là điểm đột phá trong việc đổi mới cơ chế trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã có quy định phân định thẩm quyền về phân quyền, phân cấp và ủy quyền, tuy nhiên việc này thực hiện chưa tốt. Một trong những lý do là giao quyền nhưng không giao thủ tục kèm theo để thực hiện các thẩm quyền có hiệu quả nhất.

Điều này cũng không phải là vấn đề mới khi Quốc hội trong một số nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương khi cho phép Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt các quy hoạch cục bộ về xây dựng, đồng thời cũng cho phép Thủ tướng Chính phủ được điều chỉnh các trình tự, thủ tục để thực hiện thẩm quyền đó khác với quy định của luật. Luật Thủ đô năm 2024 đã cho phép UBND thành phố được điều chỉnh các thủ tục về thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện phân cấp, ủy quyền.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga:
Hà Nội đi đầu trong thực hiện phân cấp, ủy quyền

van-nga.jpg

Thành phố đi đầu trong thực hiện phân cấp, ủy quyền, khi triển khai từ năm 2006. Khi đó, thành phố đã bắt đầu phân cấp trong một số lĩnh vực. Những năm sau đó, thành phố thường xuyên có chỉnh sửa, điều chỉnh quy định phân cấp ủy quyền để phù hợp với thực tiễn trong điều hành quản lý của bộ máy thành phố.

Đối với Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 12-9-2022 của HĐND thành phố Hà Nội về việc thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội, sau 2 năm triển khai, tất cả 16 lĩnh vực được phân cấp, ủy quyền đều cho kết quả khả quan.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực giáo dục, Nghị quyết số 23/NQ-HĐND có điều chỉnh phân cấp đầu tư xây dựng các trường trung học phổ thông từ nhiệm vụ của thành phố được chuyển giao cho các quận, huyện. Sau 2 năm thực hiện, thành phố đã hỗ trợ ngân sách cho các địa phương xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia 23.795 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà:
Bảo đảm thủ tục thông suốt, hệ thống ổn định

viet-ha.jpg

Thực hiện phân cấp, ủy quyền khối lượng công việc tại cấp huyện tuy nhiều hơn nhưng quy trình thủ tục hành chính được thông suốt. Đơn cử như việc lập quy hoạch tổng mặt bằng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc là đơn vị chấp thuận tổng mặt bằng, tuy nhiên Sở quản lý chung toàn thành phố nên có thể thấy về quy trình, thời gian sẽ lâu hơn so với thực hiện ở Phòng Quản lý đô thị huyện. Hiện nay, theo phân cấp, huyện có thể tự đầu tư xây dựng trường, chủ động mua sắm thiết bị học tập bảo đảm tính đồng bộ.

Có thể nói, tăng phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, các cơ quan chuyên môn của thành phố đồng thời bảo đảm tính ổn định của hệ thống. Việc vận hành hệ thống sau phân cấp thông suốt, không gián đoạn. Quá trình phân cấp đã đặc biệt tính toán kỹ các tác động đến người dân, những việc gì có lợi cho người dân thì cần ưu tiên làm trước.

Mai Hữu ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương: Hiệu quả thực tiễn tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.