(HNMO) - Ngày 19-2, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Báo Lao động tổ chức hội thảo "Cần luật hóa Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng" (Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu ban hành ngày 15-8-2017).
Theo luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật ANVI, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã sắp hết hiệu lực, thời hạn thực hiện chỉ còn 6 tháng, nếu không sớm có hành lang pháp lý, việc xử lý nợ xấu sẽ rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh nợ xấu tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
"Vì vậy, cần hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn và hợp lý nhất là nâng Nghị quyết số 42/2017/QH14 lên thành luật, để bảo đảm việc xử lý nợ xấu ngân hàng kịp thời, hiệu quả. Trường hợp không kịp ban hành hoặc không ban hành luật, thì cần tiếp tục duy trì hiệu lực của nghị quyết này", luật sư Đức nêu ý kiến.
Ông Phan Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc - Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, kể từ thời điểm Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực, kết quả thu nợ của các tổ chức tín dụng nói chung, của BIDV nói riêng rất tích cực.
Riêng BIDV, tổng nợ xấu đã xử lý lũy kế đến nay là gần 100.500 tỷ đồng, bình quân khoảng 25.000 tỷ đồng/năm. Trong khi giai đoạn trước khi có Nghị quyết số 42/2017/QH14 (từ năm 2012 đến trước ngày 15-8-2017), nợ xấu được xử lý là khoảng 15.000 tỷ đồng/năm.
Đối với kết quả thu hồi nợ ngoại bảng, tổng số dư nợ mà BIDV đã xử lý và thu hồi được trong giai đoạn 2012-2021 là 37.247 tỷ đồng.
Ông Phan Thanh Hải cũng kiến nghị việc nghiên cứu, luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14, từ đó giải quyết xung đột pháp luật; bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật cần thiết. Bởi, các quy định trong Nghị quyết số 42/2017/QH14 được điều chỉnh hoặc liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác, như: Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế...
Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, các giải pháp mạnh mẽ để xử lý triệt để nợ xấu, đặc biệt các giải pháp liên quan đến khung pháp lý, cần được đặc biệt chú trọng trong năm 2022 để tránh tình trạng nợ xấu cũ chưa được xử lý, nợ xấu mới gia tăng nhanh hơn, dẫn đến rủi ro cho nền kinh tế. Qua đây, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội sớm tổng kết Nghị quyết số 42/2017/QH14, tiến tới luật hóa nghị quyết trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.