Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật còn nhiều kẽ hở

Hà Phong| 22/03/2010 07:03

(HNM) - Chỉ trong vòng nửa đầu tháng 3-2010, liên tiếp xảy ra hai vụ cháy lớn (tại cơ sở sản xuất nệm mút ở tỉnh Bình Dương và tòa nhà JSC Hà Nội) khiến 9 người thiệt mạng.

Theo luật sư Nguyễn Bá Vũ, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, điều đáng nói qua những vụ cháy thương tâm này, đó là sự lơ là trong việc tuân thủ các quy định của Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC); trong khi đó chế tài xử phạt lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

"Mất bò mới lo làm chuồng"...

Luật sư Nguyễn Bá Vũ lý giải, Bộ luật Hình sự (BLHS) chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự những đối tượng gây cháy nổ hậu quả nghiêm trọng, vì thế trên thực tế rất ít đối tượng gây cháy nổ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện Hà Nội có trên 200 tòa nhà có chiều cao từ 10 tầng trở lên, theo đánh giá thì 2/3 số tòa nhà này không bảo đảm các yêu cầu của công tác PCCC. TP Hồ Chí Minh có 184 chung cư cao tầng thì có đến 80% không có ống thông gió, hút khói, đèn, còi báo động cháy… Từ vụ cháy tại tòa nhà JSC 34 Licogi khiến 2 người thiệt mạng đã làm người dân sống tại các khu chung cư cao tầng và các ban quản lý nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa của công tác PCCC. Tại tòa nhà F4, F5 Yên Hòa, Khu đô thị Trung Yên; Trung Hòa; bán đảo Linh Đàm đã xuất hiện những tấm biển nhắc nhở người dân không vứt vật liệu có nguy cơ cháy nổ vào nơi chứa rác. Ngoài ra, việc đun than tổ ong, đốt vàng mã không đúng nơi quy định cũng bị cấm.

Công tác PCCC tại các khu đô thị cần được quan tâm hơn nữa để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Ảnh: Trung Kiên

Chủ một cửa hàng buôn bán đồ bảo hộ đi kèm thiết bị PCCC trên đường Yết Kiêu (xin được giấu tên) cho hay: "Sau khi các báo, đài liên tiếp đưa tin về hai vụ hỏa hoạn kinh hoàng, cướp đi sinh mạng của 9 người, ngoài những người dân tới mua đồ bảo hộ phòng, chống cháy nổ (PCCN), còn có khá nhiều công ty, nhà máy, các tòa nhà chung cư cao tầng... liên hệ với chúng tôi để thay mới một loạt vòi chữa cháy, bình cứu hỏa đã đưa vào sử dụng nhiều năm". Chủ cửa hàng này còn tiết lộ thêm, tại nhiều nơi tới thay thiết bị, công tác PCCC gần như bị lãng quên. Bằng chứng là cửa thoát hiểm bị khóa với lý do là để bảo đảm công tác an ninh; những chiếc van mở đường ống nước cứu hỏa hoen gỉ, phải dùng búa nện mới mở được. Trong khi đó thực tế đã chứng minh, thời hạn bảo hành bình cứu hỏa chỉ là 12 tháng. Sau đó cứ đều đặn từ 3-6 tháng lại phải súc, nạp bọt khí mới một lần... thì khi có tình huống cháy, nổ xảy ra mới phát huy tác dụng. Tuy nhiên, xét cho cùng, việc mua đồ PCCN chỉ là giải pháp tình thế của người dân và ban quản lý nhà cao tầng. Biện pháp lâu dài là diễn tập PCCN cho các hộ dân lại chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết người dân sinh sống ở Khu đô thị mới Yên Hòa, Mễ Trì Hạ, Trung Hòa (Hà Nội) khi được hỏi đều không biết sử dụng bình cứu hỏa. Cũng theo khảo sát của phóng viên Hànộimới, chưa thấy khu chung cư nào trên địa bàn Hà Nội trang bị thang dây thoát hiểm cho các hộ dân, vì đây không phải là thiết bị bắt buộc của Luật PCCC.

Nâng cao mức xử phạt trong lĩnh vực PCCN

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ở những chung cư cao tầng đòi hỏi sự quản lý khác hẳn chung cư thấp tầng. Thêm nữa, mỗi loại hình chung cư có kết cấu khác nhau cũng đòi hỏi cách quản lý khác nhau. Người dân ở mỗi chung cư phải họp bàn, đặt ra những nguyên tắc quản lý chung cư dựa theo đặc thù của chung cư mình. Ban quản lý chung cư phải có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở những vi phạm.

TS Liêm cũng cho rằng, không nên xây chung cư cao tầng phục vụ tái định cư bởi đối tượng tái định cư phần lớn là người nghèo, họ không có đủ tài chính đóng góp cho các khoản bảo dưỡng để bảo đảm an toàn cho chung cư. Chung cư tái định cư nên xây thấp tầng, cầu thang bộ, hành lang ở bên để người dân nếu có thổi nấu bằng than tổ ong sẽ thông thoáng hơn, có xảy ra cháy nổ cũng dễ ứng cứu.

Còn "thầy cãi" Nguyễn Bá Vũ thì hiến kế, để nâng cao hiệu quả công tác PCCC, ở những chung cư cao tầng và những nơi dễ xảy ra cháy nổ nên bắt buộc đơn vị chủ quản mua bảo hiểm. Bởi khi đó, đơn vị bảo hiểm sẽ cử chuyên gia đến thẩm định xem cơ sở đó có tuân thủ các quy định về PCCC hay không và họ cũng sẽ thường xuyên đi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn PCCC.

Ngoài ra, hàng loạt nội dung khác nảy sinh trong quá trình thực hiện công tác PCCC cần phải bổ sung vào luật. Cụ thể chưa có tiêu chuẩn quy định về PCCC đối với các công trình ngầm, công trình có tầng hầm, công trình siêu cao tầng. Nghị định số 35 của Chính phủ quy định điều kiện an toàn PCCC đối với cơ sở là phải có hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện cứu người phù hợp, bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động theo quy định của Bộ Công an (CA). Thế nhưng, đến nay Bộ CA vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về số lượng, phương tiện PCCC đối với từng cơ sở, do đó việc xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, cán bộ kiểm tra thiếu căn cứ pháp lý để xử phạt.

Luật sư Vũ cũng cho rằng, mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực PCCC hiện nay quá thấp, không đủ để răn đe các vi phạm về PCCC. Hà Nội cần kiến nghị Chính phủ nâng mức xử phạt cao hơn gấp 5-10 lần đối với một số hành vi như không niêm yết nội quy PCCC; sản xuất, kinh doanh chất nguy hiểm về cháy nổ mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn về PCCC; bố trí nơi đun nấu không bảo đảm an toàn về PCCC; không có biện pháp chống cháy lan khi sử dụng thiết bị điện... Có như vậy, người dân và các chủ đầu tư công trình mới nâng cao nhận thức về công tác PCCN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Luật còn nhiều kẽ hở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.