(HNM) - Sau ba ngày tranh luận nhưng 9 thẩm phán thuộc Tòa án Tối cao Mỹ và các luật sư vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vụ kiện về tính hợp hiến của Luật Bảo hiểm y tế - được xem là vụ kiện y tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Luật Bảo hiểm y tế do Tổng thống Barack Obama ký ban hành cách đây hai năm phải hầu tòa khi nhiều người phản đối cho rằng đã vi phạm Hiến pháp và xâm hại quyền tự do cá nhân. Các chuyên gia luật của Mỹ coi đây là một vụ kiện quan trọng nhất tại Tòa án Tối cao Mỹ trong gần nửa thế kỷ qua, kể từ phiên tòa xét xử Tổng thống Nixon vụ nghe lén điện thoại tại khách sạn Water Gate năm 1973 và vụ phân xử thắng bại giữa cựu Tổng thống Bush và Phó Tổng thống Al-Gore trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000.
Những người ủng hộ Luật Bảo hiểm y tế bên ngoài Tòa án Tối cao Mỹ ngày 28-3. |
Năm 2010, đảng Dân chủ tận dụng đa số ghế ở Hạ viện và Thượng viện đã vượt lên sự phản đối của đảng Cộng hòa, thông qua dự thảo luật đang gây tranh cãi trên và được Tổng thống B.Obama ký ngay sau đó. Luật Bảo hiểm y tế được xem là thành tích chính trị lớn trong ba năm cầm quyền của Tổng thống B.Obama làm thay đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ kể từ năm 1965. Theo luật này, bắt đầu từ năm 2014, mọi người dân Mỹ đều phải mua bảo hiểm y tế hoặc sẽ bị phạt khoảng 700 USD/năm nếu từ chối. Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ người nghèo để mua bảo hiểm nhưng sẽ đánh thêm thuế với những người có thu nhập cao. Luật sẽ giúp thêm khoảng 32 triệu người có bảo hiểm y tế, nâng tổng số dân Mỹ được chăm sóc y tế lên 95%.
Theo đảng Dân chủ, Đạo luật Bảo hiểm y tế là một thành công khi sinh viên tiếp tục được hưởng bảo hiểm của bố mẹ, người lớn tuổi mua thuốc với giá rẻ hơn, các hãng bảo hiểm không được quyền từ chối bán bảo hiểm cho người bị các chứng bệnh nan y cũng như không được quyền giới hạn số tiền trang trải y phí cho người bệnh. Nhưng đảng Cộng hòa lại phản đối với hai lập luận: Thứ nhất, luật sẽ làm tốn kém công quỹ nhiều hơn; thứ hai, là luật cho phép Chính phủ liên bang quá nhiều quyền hạn, như quyền bắt người dân phải mua bảo hiểm hay quyền bắt các công ty phải cung cấp bảo hiểm y tế cho công nhân. Đảng Con voi cho rằng, chỉ 2 điểm trên cũng đủ cho thấy đạo luật này "lợi ít hại nhiều", chưa kể đến chuyện luật tạo chia rẽ trong mọi tầng lớp dân chúng.
Những người ủng hộ đạo luật cho rằng điều khoản bắt buộc mua bảo hiểm là cần thiết để chi trả bảo hiểm cho toàn bộ người dân Mỹ. Trong khi đó, những người phản đối lại kêu họ không thể bỏ tiền để trả phí y tế cho những người khác và coi luật là sự bó buộc và bất hợp hiến. Bên cạnh đó, nếu luật được thực thi, các công ty dược phẩm tư nhân sẽ mất đi rất nhiều khách hàng, dẫn đến nguy cơ phá sản. Theo nghiên cứu của nhóm tư vấn Lewin, nếu luật được thực thi, 88 triệu người Mỹ sẽ từ bỏ bảo hiểm y tế tư nhân để sử dụng bảo hiểm y tế công. Các bác sỹ, công ty dược phẩm và bệnh viện cũng không ủng hộ bởi họ là những đối tượng được hưởng lợi từ hệ thống bảo hiểm hiện hành.
Vì vậy, suốt hai năm qua đảng Cộng hòa đã luôn chống lại đạo luật trên và 27/50 bang của nước Mỹ quyết định kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ với hy vọng đạo luật sẽ bị tuyên là vi hiến. Nếu họ thắng kiện thì chính quyền Tổng thống Obama phải hủy đạo luật. Nhưng ngay cả 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ cũng chia thành 2 phe; một phe phản đối đạo luật khi cho rằng nó đã vi phạm quyền tự do cá nhân, nếu không kịp thời ngăn chặn thì chính quyền sẽ đi xa hơn trong thời gian tới, có thể can thiệp vào cả việc mua ô tô và mua nhà của người dân. Trong khi đó, phe ủng hộ lại cho rằng thị trường bảo hiểm là hàng hóa đặc biệt, công dân Mỹ phải tham gia mua bảo hiểm và chính phủ có quyền điều tiết thị trường này.
Kết thúc ngày tranh luận cuối cùng (29-3), cả bên nguyên lẫn bên bị trong vụ kiện y tế Mỹ đều chưa đưa ra được lập luận thuyết phục. Tòa án Tối cao Mỹ quyết định sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào tháng 6 tới. Nếu bị tuyên là vi hiến thì đây sẽ là một đòn chí mạng với đảng Dân chủ, cụ thể là đương kim Tổng thống B.Obama trong đợt bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 45 vào tháng 11 tới khi Luật Bảo hiểm y tế được coi là thành tựu lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.