Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lựa chọn tất yếu

Việt Nga| 17/08/2010 07:06

(HNM) - Lần đầu tiên, dưới sự chủ trì của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội (TT-TT), các nhà cung cấp dịch vụ di động trên địa bàn đã bàn bạc, thống nhất cùng sử dụng chung trạm thu phát sóng (BTS). Đến thời điểm này, việc dùng chung BTS đã đạt kết quả nhất định và đang được các doanh nghiệp (DN) triển khai tích cực.


Việc dùng chung hệ thống thu phát sóng BTS của các nhà mạng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn cho người dân.   


Nhiều năm qua, không chỉ ở Hà Nội mà tại các địa phương trong cả nước, việc các nhà mạng chia sẻ hạ tầng là chuyện không đơn giản. Nhiều khi không đạt được thỏa thuận dùng chung, họ lại khiếu kiện lên cơ quan chức năng, gây ra những ấn tượng không tốt với dư luận. Do vậy, khái niệm "dùng chung" thậm chí ngay cả khi cơ quan chức năng nhắc nhở, khuyến khích cũng ít được DN thực hiện. Tại Hà Nội, từ đầu năm 2010, Sở TT-TT đã cùng với các DN họp bàn và thống nhất xây dựng bản đề án về dùng chung cơ sở hạ tầng, bước đầu chọn thực hiện thí điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Mốc thời gian đánh dấu cho sự hợp tác này là cả 7 nhà mạng (Mobifone, Vinaphone, Viettel, S-Fone, Vietnamobile, EVN Telecom, Gtel) cùng đơn vị tư vấn đã ký thỏa thuận dùng chung BTS trong tháng 4-2010, với việc xây dựng 10 trạm BTS dùng chung,
hoàn thành tiến độ trước tháng 8-2010...

Theo Sở TT-TT, đến thời điểm này, việc lắp đặt 10 điểm dùng chung tại quận Hoàn Kiếm đã bảo đảm tiến độ. Như kế hoạch ban đầu, đơn vị tư vấn sẽ chịu trách nhiệm xây dựng mới cả 10 điểm dùng chung, song quá trình triển khai, cả 7 nhà mạng đều trao đổi vị trí tọa độ các trạm BTS cũ đã dựng từ trước, phối hợp để cùng nhau chia sẻ lại hạ tầng. Do vậy, cuối cùng, chỉ phải dựng 3 trạm mới ở các địa điểm 58 Quán Sứ, 31 Ngô Quyền và số 4 Dã Tượng. Đáng chú ý, tại các trạm BTS cũ, việc dùng chung này thu hút được cùng một lúc từ 3 đến 5 DN.

Bên cạnh quy định của cơ quan quản lý nhà nước, các DN đã nhận thấy lợi ích kinh tế từ việc dùng chung hạ tầng. Trước hết, nhà mạng giảm được chi phí đầu tư lớn ban đầu mà thay vào đó là đi thuê lại (hoặc chia sẻ theo phương thức 1 đổi 1). Thêm nữa, trong nhiều năm qua, do người dân liên tiếp khiếu kiện cho rằng việc dựng BTS ảnh hưởng đến sức khỏe khiến việc dựng BTS trong khu dân cư rất khó khăn, nên khi dùng chung hạ tầng, DN tiết kiệm được thời gian, công sức và kinh phí. Đặc biệt, với mức chi phí thuê cột BTS (như trong bản đề án dùng chung mà Sở TT-TT cùng DN đưa ra) thì mức giá thuê 8 triệu đồng/tháng/BTS được các DN cho là hợp lý… Như vậy, với DN lợi ích về kinh tế đã rõ ràng, với cơ quan quản lý nhà nước, việc các nhà mạng dùng chung hạ tầng còn đem lại ý nghĩa khác, đó là khi dùng chung 1 BTS thay cho nhiều chiếc cột khác cùng dựng ở các vị trí gần nhau sẽ không làm xấu đi cảnh quan đô thị và bảo đảm an toàn cho người dân. Theo Sở TT-TT, từ mô hình thí điểm triển khai dùng chung BTS tại quận Hoàn Kiếm, các DN tiếp tục bàn việc nhân rộng mô hình dùng chung này sang địa bàn các quận khác. Được biết, tại quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, 7 nhà mạng đã cùng nhau chia sẻ hàng chục vị trí BTS (trong đó, Đống Đa: 22 điểm dựng BTS cũ được các DN dùng chung, Hai Bà Trưng: 13 điểm dùng chung BTS…). Mô hình dùng chung BTS mà Hà Nội triển khai thí điểm tại quận Hoàn Kiếm đang được một số tỉnh, thành phố học tập và thực hiện.

Từ kinh nghiệm của Hà Nội cho thấy, ngoài việc bắt buộc các DN phải dùng chung cơ sở hạ tầng, cơ quan quản lý nhà nước cần có các động thái tích cực để các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đầu tư sản xuất, kinh doanh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.