(HNM) - Vàng, chứng khoán, bất động sản hay ngoại tệ, nhà đầu tư thêm một lần nữa phải băn khoăn vì không biết lựa chọn kênh nào vào thời điểm mà vàng trong nước quá cao so với thế giới, chứng khoán bấp bênh, bất động sản chưa thực sự khởi sắc, còn ngoại tệ nhiều rủi ro...
Các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định, không nên chạy theo xu hướng đám đông để tránh thiệt hại. Ảnh: Hải Anh |
Vàng đã từng có những thời điểm được lựa chọn như kênh đầu tư "vua". Sự rủi ro của vàng khi giá vàng tăng, giảm thất thường với biên độ lớn lại chính là tính hấp dẫn của thứ hàng hóa đặc biệt này. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, vàng đã không còn khiến người dân phải đổ xô đi mua bằng mọi giá. Tại hầu hết cửa hàng vàng, chỉ có lác đác một số người đi mua vàng trang sức. Trên phố Hàng Bạc, vốn là nơi sầm uất người giao dịch vàng trước đây cũng khá vắng vẻ trong những ngày đầu tháng 4. Lý giải cho sự thờ ơ của giới đầu tư, chủ của một cửa hàng vàng ở đây cho rằng, giống như những loại hàng hóa khác, nếu giá vàng thay đổi nhanh sẽ thu hút giới đầu tư, bởi nhiều người chọn vàng để lướt sóng để thu lời và ngược lại, nếu giá vàng ít biến động, nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà với kênh này. Thời gian gần đây, mặc dù vàng có biến động, nhưng cao nhất cũng chỉ tăng giảm trong biên độ 100-200 nghìn đồng/lượng/ngày, còn những ngày khác biến động khoảng 10 nghìn đồng/lượng/ngày, thậm chí có ngày không thay đổi. Hơn nữa, giá vàng trong nước đang quá nhiều rủi ro so với thế giới, "đi một mình một đường" cũng là một trở ngại để giới đầu tư trong nước đến với vàng. Đơn cử, tại thời điểm ngày 2-4, trên thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được giao dịch phổ biến ở mức 35,17 triệu đồng/lượng (mua vào) - 35,27 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, giá vàng thế giới đứng ở 1.204 USD/ounce, tăng nhẹ so với thời điểm trước. Nếu quy đổi giá vàng thế giới ra VND theo tỷ giá của Vietcombank, mức chênh giữa vàng trong nước và thế giới rõ ràng đã được rút xuống còn 4 triệu đồng/lượng thay vì 5 triệu đồng/lượng như trước đó, nhưng đây vẫn là khoảng cách quá lớn. Hơn nữa, khoảng cách này bị thu hẹp một phần do giá USD trong nước tăng nhanh, với tỷ giá niêm yết ở Vietcombank 21.555 VND/USD (mua vào) - 21.615 VND/USD (bán ra).
Thị trường chứng khoán sau phiên giao dịch ngày đầu tiên của tháng 4 làm nhiều nhà đầu tư hốt hoảng đã kịp lấy lại điểm sau đó. Mặc dù không lấy lại số điểm đã mất của ngày 1-4, nhưng kết quả giao dịch các phiên sau cũng tạm làm giới đầu tư hài lòng. Vốn là một kênh đầu tư "đỏng đảnh", với những đợt tăng, giảm khó lường, thị trường chứng khoán đã nhiều lần làm giới đầu tư lo sợ. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, kênh đầu tư này được đánh giá là đáng để đổ tiền vào. Bởi, sau một thời gian dài chìm xuống đáy, thị trường chứng khoán đã hồi phục vững chắc. Từ ngưỡng dưới 400 điểm, thị trường đã tăng dần để có phiên dành lại con số 600 điểm. Mặc dù không giữ được quá lâu ở ngưỡng này, song thị trường đã thoát khỏi thời kỳ trượt dài trong sự thất vọng và chán nản của nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí... cùng hàng loạt các mã của doanh nghiệp lớn tăng giá đã kéo chỉ số chứng khoán VN-Index và HNX-Index tăng cao. Sự hồi phục của thị trường chứng khoán phản chiếu bức tranh của nền kinh tế đã xuất hiện nhiều mảng sáng, giảm bớt những gam màu u tối.
Với bất động sản, không còn quá trầm lắng hay rơi vào tình trạng "đóng băng", giá nhà đất ở một số nơi tăng nhẹ đã thu hút giới đầu tư quay trở lại với kênh đầu tư bị "ngủ quên" quá lâu này. Song, đây không nên là kênh "chôn tiền", mà chỉ nên mua nếu thật sự có nhu cầu ở, vì cung nhà ở đã thừa so với cầu, nhất là nhà chung cư, do đó khả năng tăng giá của nhà chung cư gần như không có. Còn với đất biệt thự hay nhà liền kề, mua ở thời điểm này hợp lý, nhưng không nên đầu cơ.
Một kênh đầu tư khác được nhắm tới là ngoại tệ. Lâu nay, ngoài vàng, thói quen của người dân trong nước là mua USD để tích trữ. Rõ ràng là sự tăng giá liên tục của đồng USD trong thời gian qua đã chứng tỏ sức hút của USD, nhưng trên thực tế không nên tích trữ USD, bởi nếu người dân chỉ chăm chăm tìm đến USD để "trú ẩn" sẽ làm yếu đi VND. Mặc dù đồng USD đang "leo thang" từng ngày, có thời điểm tăng 20 VND/USD, nhưng nếu tính 2 năm qua, USD tăng tổng cộng không đáng kể so với nhiều kênh đầu tư khác. Hơn nữa, lãi suất tiết kiệm USD quá thấp, ngân hàng được coi như "cái két" cất giữ USD giúp người dân, nên gửi USD không mang lại giá trị kinh tế. Còn với EUR, một đồng tiền vốn được coi là ngoại tệ mạnh đã bị rơi vào vòng xoáy giảm giá. Đồng EUR "rớt" giá khiến không ít người "dở khóc, dở cười" vì đã trót "ôm" EUR. Với 1.000 EUR, chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây đã "bốc hơi" hơn 6 triệu đồng (trước EUR được giao dịch với mức hơn 29.000 VND/EUR, nay chỉ còn hơn 23.000 VND/USD).
Vàng, USD, EUR hay bất động sản, chứng khoán, chọn đầu tư kênh nào còn tùy thuộc vào từng người, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng và tìm hiểu kỹ, không nên chạy theo xu hướng đám đông. Thêm vào đó, để VND mạnh hơn, người dân đừng nên quá đề cao vàng hay ngoại tệ, tránh tình trạng vàng hóa hay đô la hóa nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.