LTS: Xuất phát từ thực tiễn, trong hai năm liên tiếp 2018-2019, thành phố Hà Nội đã chọn chủ đề công tác là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Kết quả thực hiện cho thấy, đây là lựa chọn rất đúng; mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng sự hài lòng của người dân.
Bài 1: Củng cố từng “mắt xích”
Muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, trước tiên, bộ máy phải được tinh gọn, từng “mắt xích” phải được quan tâm, củng cố. Hà Nội đã có những giải pháp căn cơ, bài bản để thực hiện điều này trong hai năm qua.
Quyết liệt với công tác cán bộ
Năm 2018, Đảng bộ xã Đông Quang (huyện Ba Vì) bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ” vì để xảy ra mất đoàn kết nội bộ và có nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xây dựng nông thôn mới. Sau khi xem xét, ngay trong quý I-2019, Ban Thường vụ Huyện ủy đã kỷ luật Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã; điều động, luân chuyển cán bộ huyện về làm Chủ tịch UBND xã. Nhờ bắt trúng “bệnh”, đến nay, tình hình xã Đông Quang đã ổn định. Ông Nguyễn Văn Tú (ở thôn Quang Húc, xã Đông Quang) cho biết: “Cán bộ yếu kém, mất đoàn kết phải được thay thế. Huyện đã làm kịp thời và lấy lại lòng tin của người dân”.
Thực tế tại xã Đông Quang đúng như Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn khẳng định: “Củng cố tổ chức cơ sở Đảng là một trong những nền tảng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Theo tinh thần đó, trong hai năm 2018 - 2019, các quận, huyện, thị xã đã thực hiện nghiêm túc chủ đề năm công tác của thành phố gắn với thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”.
Tại huyện Chương Mỹ, nhằm bảo đảm từng “mắt xích” trong hệ thống chính trị đều mạnh, từ đầu năm 2019 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã làm việc với Đảng ủy 32/32 xã, thị trấn. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Qua rà soát, huyện đã khắc phục xong hạn chế tồn tại ở 8 đảng ủy xã và 2 chi bộ trực thuộc đảng ủy xã. Chúng tôi còn phát hiện 7 xã có dấu hiệu phức tạp về quản lý đất đai, yêu cầu chủ tịch UBND các xã này tạm dừng điều hành một thời gian để tập trung khắc phục...”.
Nhờ quyết liệt nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, Chương Mỹ được thành phố lựa chọn là một trong 5 nơi thí điểm sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách; giải quyết tốt nhiều việc tồn đọng, mới nhất là hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp quốc lộ 6.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, hơn hai năm qua, cấp ủy các quận, huyện, thị xã đã luân chuyển trên 20 cán bộ về làm bí thư đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; điều động, thay thế, cho nghỉ trên 30 cán bộ bị kỷ luật, yếu kém về năng lực, phẩm chất...
Đến nay, toàn thành phố đã củng cố được 162 tổ chức cơ sở Đảng có khó khăn. “Nhờ khắc phục được nhiều “mắt xích” yếu, hệ thống chính trị các cấp ngày càng vững mạnh”, đồng chí Vũ Đức Bảo nhấn mạnh.
Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ
Đề án số 21-ĐA/TU ngày 16-9-2019 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội” tuy mới ban hành nhưng bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, nhất là tại những địa phương được giao làm điểm. Đây được coi là "đòn bẩy" để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở - nơi gần dân nhất.
Đi đầu trong sắp xếp, bố trí các chức danh người hoạt động không chuyên trách, đến nay, phường Phúc Lợi (quận Long Biên) đã bố trí xong ở cả phường và 14 tổ dân phố. Sau sắp xếp, phường còn 9 cán bộ không chuyên trách cấp phường, giảm 2 người; ở tổ dân phố giảm 3 người.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Phúc Lợi Dương Ngọc Dũng khẳng định: “Việc bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban công tác mặt trận tuy công việc có vất vả hơn, nhưng cán bộ sâu sát thực tế, nắm bắt kịp thời tình hình, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động”.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, thành phố đã quyết liệt đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Hai năm qua, thành phố đã giảm 5/17 ban chỉ đạo do Ban Thường vụ Thành ủy thành lập; giảm 74 ban chỉ đạo thuộc UBND thành phố...
Dưới sự chỉ đạo thống nhất của Thành ủy Hà Nội, cả hệ thống chính trị đã tham gia thực hiện chủ đề công tác năm. Các giải pháp được các cơ quan, đơn vị, tổ chức của thành phố chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ, toàn diện, nhất là đổi mới quy chế làm việc, quy trình công tác; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đổi mới công tác cán bộ, đánh giá kết quả công tác theo tháng và đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm...
Chánh Văn phòng Thành ủy Nguyễn Văn Tứ cho biết: “Trong khi biên chế giảm, công việc tăng cả về khối lượng và độ phức tạp, yêu cầu tiến độ cao mà chúng ta vẫn hoàn thành, bảo đảm chất lượng chính là nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.