Du lịch

Lựa chọn của Ai Cập

Quỳnh Dương 24/09/2023 - 10:17

Tương tự như nhiều quốc gia khác, nền kinh tế Ai Cập hiện đối mặt với nguy cơ khủng hoảng do thiếu hụt ngoại tệ, lạm phát tăng mạnh và nợ chính phủ ngày càng phình to. Trong bối cảnh đó, phục hồi và thúc đẩy du lịch - một ngành kinh tế mũi nhọn, đang được Chính phủ Ai Cập lựa chọn để hỗ trợ nước này vượt qua giai đoạn khó khăn.

ai-cap-1.jpg
Ai Cập kỳ vọng thu hút 30 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2028.

Theo thống kê của Chính phủ Ai Cập, năm 2019, ngành Du lịch đóng góp tới 32 tỷ USD cho nền kinh tế. Sau đại dịch Covid-19, dù ngành "công nghiệp không khói" nước này đã hồi phục đáng kể song vẫn chưa thể đạt được mức độ như thời kỳ đỉnh cao. Năm 2022, doanh thu từ du lịch mới chỉ đạt 22 tỷ USD, đóng góp 12% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển, thời gian vừa qua, Chính phủ Ai Cập đã tung ra nhiều biện pháp nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng 25 - 30% mỗi năm.

Trong chiến lược quốc gia về phát triển du lịch, Ai Cập đã nhấn mạnh tới việc tăng cường khả năng tiếp cận các điểm du lịch, tăng số lượng chuyến bay đến Ai Cập, kích thích và nâng cao môi trường đầu tư cũng như cải thiện trải nghiệm du lịch tại các điểm đến.

Trong một động thái đáng chú ý, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã phê chuẩn Luật số 27 năm 2023, liên quan đến việc thành lập và quản lý các phòng du lịch. Đây được coi là một trong những trụ cột của chiến lược quốc gia về phát triển du lịch và là bước đi quan trọng trong lộ trình cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường chức năng của các phòng du lịch.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Phát triển địa phương Ai Cập, ông Hisham Amna cho biết, nước này đang ưu tiên phát triển các địa điểm du lịch và di sản để giúp đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. “Những thách thức chưa từng có đang đe dọa các thành phố du lịch và di sản của chúng ta, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh chóng. Việc phát triển ngành du lịch bền vững đòi hỏi phải đạt được sự cân bằng giữa các nhu cầu và mối quan tâm về môi trường, kinh tế - xã hội và văn hóa. Hiện nay, Chính phủ Ai Cập đã và đang phân bổ nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết tại các thành phố có các công trình di sản cũng như xem xét lại công tác quy hoạch bảo tồn để đạt được các mục tiêu du lịch bền vững”.

Trong khi đó, Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập khuyến khích đa dạng hóa các chương trình du lịch nhằm thu hút khách du lịch tiềm năng thông qua nâng cấp các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và cơ sở vật chất thân thiện với môi trường. Nước này đã tạo ra 4 vùng du lịch sinh thái: Ven biển, sa mạc, bờ sông và đất ngập nước. Theo ông Hesham El-Barmelgy, Tiến sĩ chuyên ngành thiết kế đô thị và phát triển bền vững, tiềm năng du lịch của Ai Cập sẽ bị cản trở nếu không có kế hoạch, tiếp thị và quản lý phù hợp. Nếu sở hữu thiên nhiên hấp dẫn cùng với định hướng chiến lược du lịch bền vững lâu dài, ngành du lịch sinh thái của Ai Cập sẽ có thể phát triển ở cấp độ toàn cầu và dẫn đầu các quốc gia khác trong thời gian tới.

Xác định một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành Du lịch trong giai đoạn tới là đào tạo nhân lực, hiện Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập đang xúc tiến thực hiện công tác đào tạo và phát triển đội ngũ nhân viên, trong đó chú trọng yêu cầu về trình độ ngôn ngữ và kỹ năng phục vụ đối với hầu hết các đợt tuyển sinh ngành khách sạn, du lịch. Đồng thời, Chính phủ Ai Cập cũng tăng cường hợp tác với Tổ chức Du lịch Thế giới để hiện đại hóa các tiêu chuẩn cho ngành Du lịch. Về lĩnh vực hàng không, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp an ninh tại các điểm đến du lịch trong nước, các sân bay địa phương và quốc tế của Ai Cập đã thể hiện tính chuyên nghiệp hơn, tạo cơ hội cho du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Về lĩnh vực tài chính, Ngân hàng Trung ương Ai Cập cho phép các công ty du lịch được vay vốn với lãi suất ưu đãi giảm 8% và có thể trì hoãn trả nợ khi gặp khó khăn liên quan tới nguồn khách tới Ai Cập bị sụt giảm. Bộ Tài chính đã cung cấp khoản tín dụng bảo hiểm trị giá gần 100 triệu USD cho CBE để rót cho các ngân hàng thương mại nhằm thực hiện mục tiêu cho vay với lãi suất 5% trong thời hạn 3 năm, áp dụng đối với các khách sạn và cơ sở kinh doanh du lịch.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên, lịch sử và di sản văn hóa phong phú, đa dạng, Ai Cập kỳ vọng có thể tăng cường khả năng cạnh tranh nhằm thu hút lượng khách du lịch lớn nhất từ các thị trường khác nhau và đạt được mục tiêu đón 30 triệu lượt du khách quốc tế vào năm 2028.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn của Ai Cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.