Đánh giá đúng, lựa chọn đúng, không bỏ sót những người thực sự có đức có tài, càng không để “lọt” vào cấp ủy khóa mới những người yếu kém, biến chất là vấn đề đang được đảng viên và nhân dân dành sự quan tâm sâu sắc.
Bởi có làm được như vậy, chúng ta mới có được đội ngũ cấp ủy khóa mới tiêu biểu, thực sự là trung tâm đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội.
1. Công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng đang được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, đúng tiến độ. Cùng với việc chuẩn bị văn kiện đại hội, công tác nhân sự nhận được sự quan tâm sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bởi công tác này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của đại hội.
Làm sao để đánh giá cán bộ chính xác, từ đó lựa chọn đúng cán bộ là điều mà các cấp ủy đặc biệt coi trọng trong giai đoạn này. Tại Hà Nội, ngoài những quy định chung, Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”… thực sự trở thành “thước đo” đánh giá cán bộ hiệu quả.
Thông qua đó, soi vào 25 biểu hiện nhận diện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội để cán bộ răn mình không mắc phải; đồng thời đây cũng được xem là "cây gậy" để nhắc nhở, răn đe đối với những ai có tâm lý đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc của Đảng, của dân. Cái được lớn nhất sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU là ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc đã có chuyển biến tích cực; nhiều vụ việc phức tạp, tồn tại kéo dài đã được giải quyết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình ở địa phương, đơn vị. Nhiều cán bộ đã có những sản phẩm công việc cụ thể, khẳng định được năng lực, trình độ, uy tín của mình thông qua giải quyết việc khó, việc tồn đọng.
Cái được thứ hai đó là nhận diện, chỉ tên những đơn vị, cá nhân vi phạm, xử lý nghiêm để giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Thông qua 675 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ ở 1.161 đơn vị của các đơn vị cấp huyện cho thấy, có 33 tổ chức, 60 cá nhân bị phát hiện có vi phạm sau kiểm tra, giám sát, thanh tra và 28 tổ chức, 55 cá nhân đã bị xử lý sau kiểm tra, giám sát, thanh tra. 4 cán bộ quận, huyện và 18 cán bộ xã, phường được cho thôi không đảm nhận nhiệm vụ. 3 cán bộ quận, huyện và 55 cán bộ xã, phường bị xử lý kỷ luật. Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 27 đồng chí, cho thôi làm nhiệm vụ 4 đồng chí, xử lý kỷ luật 12 đồng chí cấp huyện; luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 48 cán bộ, cho thôi làm nhiệm vụ 19 đồng chí, xử lý kỷ luật 49 đồng chí cán bộ cấp xã.
Rõ ràng, Chỉ thị số 24-CT/TU đã giúp sàng lọc đội ngũ cán bộ, qua đó có thể nhận diện được ai là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; ai là người đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc được giao. Chính thước đo ấy, sự sàng lọc ấy giúp cho cấp ủy đánh giá chính xác, khách quan, công tâm, minh bạch, từ đó làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự.
2. Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác nhân sự nên trong 7 yêu cầu tại Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” có tới 3 yêu cầu liên quan đến công tác nhân sự và công tác chuẩn bị nhân sự cũng như cơ chế, tiêu chí sàng lọc để không bỏ “sót” những người thật sự có đức có tài, kiên quyết không để “lọt” vào cấp ủy khóa mới những người không xứng đáng.
Việc đánh giá đúng cán bộ là tiền đề quan trọng để lựa chọn nhân sự cấp ủy khóa mới bảo đảm sự kế thừa, đổi mới và phát triển; đề cao, coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; lựa chọn được cán bộ tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức, lối sống, có năng lực, kinh nghiệm, kinh qua thực tiễn; thực sự là trung tâm đoàn kết, trong sạch, vững mạnh… Để lựa chọn được đúng cán bộ, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo: Qua quy trình, qua thực tiễn, qua đánh giá cán bộ, chúng ta mới tìm được cán bộ có “chất” về năng lực trình độ, về đạo đức, về trách nhiệm trong công việc, về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…
Điều quan trọng nữa cần lắng nghe ý kiến nhân dân. Hơn ai hết, người dân, thông qua công việc hằng ngày sẽ có nhìn nhận, đánh giá đúng “chất” của cán bộ. Nếu cán bộ hết mình phục vụ cho sự nghiệp chung, thực sự gương mẫu, lắng nghe dân, phục vụ nhân dân, được nhân dân đánh giá tốt thì đó là sự lựa chọn chính xác. Còn với những đơn vị, địa phương nào mà nhân dân chưa thực sự yên tâm về vấn đề đoàn kết nội bộ, về những sai phạm chưa được xử lý, cũng như vấn đề bất cập khác thì cấp ủy cấp trên cũng cần chủ động có phương án về công tác nhân sự.
Khi giới thiệu nhân sự, ngoài căn cứ theo quy hoạch, giữ vững nguyên tắc, quy định, bảo đảm dân chủ, khoa học, khách quan, công tâm, minh bạch… thì việc dựa vào nhân dân, lắng nghe ý kiến đánh giá của nhân dân cũng như ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, địa phương nơi nhân sự công tác sẽ giúp chúng ta có “con mắt tinh đời” để lựa chọn được cán bộ vừa có đức, vừa có tài, thực sự là tinh hoa. Đây chính là cơ sở quan trọng cho thành công của Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.