Xây & Chống

Kiến tạo môi trường để cán bộ dám nghĩ, dám làm

Minh Nguyệt 30/09/2024 - 06:42

Yêu cầu kiến tạo môi trường làm việc để cán bộ, công chức chủ động, không chỉ dám nghĩ mà còn dám làm ngày càng trở nên cấp thiết, cấp bách; mà một trong những việc cần làm ngay là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

1. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương mười (khóa XIII), đề cập các phương hướng, giải pháp chiến lược trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Rõ ràng, phân cấp, phân quyền vẫn là mối quan tâm lớn và mang tính thời sự sâu sắc hiện nay, nhất là trong mối quan hệ giữa các bộ, ngành với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giữa cấp tỉnh với cấp huyện và giữa cấp huyện với cấp xã. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên tinh thần “nơi nào làm tốt thì giao cho nơi đó”.

Từng có câu chuyện dự án xây dựng trường trung học phổ thông làm thủ tục cả mấy năm mà không được duyệt, trong khi nhu cầu học tập của con em địa phương ngày càng cấp thiết. Nguyên do là trường trung học phổ thông do cấp thành phố quản lý, nên việc đầu tư xây dựng trường được hiểu là phải do cấp thành phố làm chủ đầu tư; mà cấp thành phố thì đầu việc quá lớn, không thể “tay năm tay mười” mà triển khai được ngay. Sự vướng mắc phân cấp này còn khiến không ít trường bị hỏng hóc, xuống cấp chỗ nọ, chỗ kia nhưng mãi không sửa được vì phải chờ thành phố... Sau khi xem xét kỹ về pháp lý và các vấn đề liên quan, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã quyết định phân cấp “Đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trường trung học phổ thông” cho các quận, huyện. Nhờ đó, tiến độ sửa chữa, xây dựng mới các trường trung học phổ thông tăng nhanh, khiến nhiều trường mới kịp đi vào hoạt động ngay trong năm học vừa qua.

Là đơn vị dẫn đầu cả nước về phân cấp, ủy quyền, Hà Nội đã điều chỉnh bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện 9 lĩnh vực, gồm: Đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trường trung học phổ thông; đầu tư hệ thống nước sạch ở vùng sâu, vùng xa; công trình xử lý nước thải cục bộ không kết nối được với hệ thống thu gom nước, xử lý nước thải tập trung của thành phố; đầu tư chợ hạng 1; cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách trên địa bàn các quận; quản lý tượng đài, tranh hoành tráng; di tích; bến, bãi đỗ xe; đèn tín hiệu giao thông. Kết quả sau hơn 1 năm thực hiện, Hà Nội đã tạo "bệ phóng" cho các địa phương có nguồn lực tốt, tăng tính chủ động, cải cách hành chính thực chất cho cấp huyện; đáp ứng mong muốn, đề xuất từ cơ sở.

Phân cấp, phân quyền có hiệu quả tích cực là thế, nhưng hiện nay, việc phân cấp, phân quyền vẫn còn “dư địa” lớn cần quan tâm. Việc chậm phân cấp, phân quyền ngày nào là gây ra sự lãng phí ngày đó. Ngay như việc xác định định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước nhiều lĩnh vực ở các địa phương đều phải trông chờ vào các bộ, ngành là ví dụ. Vì thiếu định mức làm chuẩn, nhu cầu đổi mới cung cấp dịch vụ công, khắc phục những hạn chế tồn tại trong nhiều lĩnh vực văn hóa xã hội vẫn đang bị trói buộc, cản trở.

Câu chuyện gây bức xúc trên dư luận vừa qua là trường hợp nhà máy lắp ráp ô tô của Mercedes-Benz thành phố Hồ Chí Minh nộp hồ sơ 5 năm không hoàn thành được thủ tục cấp lại giấy phép cũng chính là ví dụ điển hình cho thấy sự bất cập do chậm phân cấp, phân quyền. Cho nên, nhất thiết phải đẩy mạnh, tăng tốc phân cấp, phân quyền cho các địa phương, bởi lợi ích to lớn của việc này chính là làm cho nguồn lực được khơi thông, công việc được trôi chảy.

2. Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (khóa XII) đã nêu rõ: “Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm; đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế”. Đây chính là đường hướng ở tầm vĩ mô, khái quát; nhưng đồng thời cũng gợi mở cách làm, xác định việc cần làm của các cấp, các ngành trong phân cấp, phân quyền. Quan trọng là tinh thần chủ động, dám làm phải được thể hiện từ tư tưởng, nhận thức đến hành động của cán bộ lãnh đạo, những người có trách nhiệm đặt bút ký phân cấp, phân quyền.

Trên thực tế, cái khó nhất của phân cấp, phân quyền chính là sự bứt phá về tư tưởng, nhận thức. Nếu tư tưởng các bộ vẫn còn muốn “ôm việc” thì rất khó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; thay vào đó nếu các bộ sẵn sàng san sẻ, lấy hiệu quả chung là mục tiêu thì việc phân cấp, phân quyền sẽ nhanh chóng được cải thiện. Những ví dụ về phân cấp, phân quyền tại Hà Nội vừa qua là cơ sở thực tiễn cho thấy, tính khả thi, sự cần thiết, hiệu quả của phân cấp, phân quyền. Đó còn là cơ sở tiếp thêm động lực cho các cấp, các ngành, các tỉnh, thành khác tự tin, chủ động và dám làm trong phân cấp, phân quyền.

Để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, qua đó kiến tạo môi trường chủ động, dám làm cần phải tăng tốc hoàn thiện thể chế. Bản chất của phân cấp là việc cấp trên chuyển giao những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định cho cấp dưới thực hiện với nguyên tắc cấp dưới có đủ điều kiện, năng lực thực hiện những nhiệm vụ đó. Cơ chế chính là bảo đảm việc thực hiện đúng nguyên tắc và bảo đảm gắn với giao nhiệm vụ là phải có các điều kiện, nguồn lực thực hiện khả thi. Phân cấp, phân quyền phải thực tế, tuyệt đối tránh hình thức, duy ý chí. Phân cấp, phân quyền phải gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rất quan trọng. Đây là việc khó, nếu không đưa vào các nghị quyết, chỉ thị để cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì khó thành công. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy, trước việc khó như phân cấp, phân quyền, tâm lý cầu an, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm sẽ lại nổi lên, cản trở dòng chảy đổi mới, dòng chảy kiến tạo môi trường chủ động, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá trong cán bộ, công chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến tạo môi trường để cán bộ dám nghĩ, dám làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.