Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lúa bị lò gạch... thiêu rụi

Chí Đạo - Tuyết Hoa| 09/09/2010 07:43

(HNM) - Trong khi các địa phương chuẩn bị thu hoạch lúa vụ mùa thì nông dân một số xã miền Đông huyện Phú Xuyên lại lâm vào tình cảnh điêu đứng vì mất mùa. Hàng chục hécta lúa sắp đến kỳ thu hoạch bị mất trắng hoặc năng suất thấp mà


Vẫn điệp khúc "đốt, cháy và đền bù"


Anh Nguyễn Văn Dĩnh, xã Quang Lãng xót xa trước ruộng lúa bị thiệt hại.  Ảnh: H.Văn

Chúng tôi đến thôn Mễ, xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) chứng kiến cảnh tượng đau lòng, những vạt lúa trải dài chuyển từ màu vàng xanh (lúa chuẩn bị thu hoạch) sang đen xám, bông lúa chĩa thẳng lên trời, hạt lép kẹp, lá khô, úa. Trên cánh đồng, một số khu vực nông dân đã dọn sạch lúa cháy để trồng cây khác mong cứu vãn mùa vụ thất bát. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở xã Tri Thủy và Khai Thái. Theo người dân trong khu vực, khói của 6 lò gạch đang hoạt động trên bãi sông Hồng thuộc địa phận xã Quang Lãng đã gây nên hậu quả trên. "Năm nào lúa cũng bị táp, cháy, không vụ chiêm thì vụ mùa, vụ đông. Bao công sức cấy lúa, chăm sóc giờ đổ xuống sông, xuống biển" - chị Nguyễn Thị Láu, người dân thôn Sảo Thượng, xã Quang Lãng xót xa nói. Gia đình chị Láu có hơn 5 sào lúa đều bị khói lò gạch "thiêu rụi" toàn bộ, ngoài ra gần 2 sào đỗ tương cũng bị chín ép, năng suất, chất lượng hạt giảm đáng kể. Hiện gia đình chị đã dọn sạch hơn 2 sào lúa bị cháy để trồng ngô. Theo thống kê của UBND xã Quang Lãng, khói lò gạch đã làm thiệt hại gần 50ha lúa và nhiều diện tích hoa mầu khác. Mức độ ảnh hưởng đến năng suất từ 20 đến 100% tùy theo khoảng cách từ thửa ruộng đến lò gạch. Tại xã Tri Thủy, tuy không có lò gạch nhưng người dân cũng phải "chịu trận" chung với xã Quang Lãng. Ông Nguyễn Phú Kỳ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã Tri Thủy có khoảng 50ha lúa ở 4 thôn bị ảnh hưởng của khói lò gạch. Trong đó thôn Bái Đô bị ảnh hưởng nặng nhất với 100/150 mẫu lúa, thôn Hồng Thái, Vĩnh Linh thiệt hại nhẹ hơn. Hiện mới có thôn Vĩnh Linh đã làm việc với các chủ lò để thống nhất phương án đền bù. Chủ nhiệm HTX Phú Thủy (xã Tri Thủy) Tạ Quang Hậu là người có kinh nghiệm giải quyết vấn đề này cũng phải thốt lên: "Đốt lò, táp lúa rồi đền bù, cứ như vậy sẽ tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Trong khi năm trước, công tác đền bù thiệt hại phải "lên bờ xuống ruộng" mới giải quyết xong". Ngoài xã Quang Lãng và Tri Thủy, xã Khai Thái cũng thiệt hại khoảng 25ha.

Đừng đốt…, cứ đốt

Đốt lò gạch thủ công ở xã Khai Thái, Quang Lãng dù nằm trong quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng nhưng do quản lý lỏng lẻo và phát triển tự phát nên đã ảnh hưởng xấu đến môi trường, an toàn đê điều. Hằng năm, UBND huyện Phú Xuyên đều có công văn yêu cầu, nhắc nhở các địa phương nhưng vi phạm vẫn tái diễn. Đặc biệt, UBND huyện yêu cầu các lò gạch thủ công phải tạm thời đình chỉ hoạt động khoảng 3 tháng đúng khung thời vụ để nông dân sản xuất, gieo trồng. Nhưng trên thực tế, các địa phương chỉ đạo chưa triệt để hoặc để chủ lò cố tình đốt mới dẫn đến những việc đáng tiếc.

Theo giải thích của các chủ lò và lãnh đạo xã Quang Lãng, việc để xảy ra "cháy" lúa là do "không may" đốt lò vào đúng dịp cơn bão số 3 đang hoành hành ở miền Bắc, lúc đó lúa ở khu vực này đang kỳ trổ bông. "Ngày 18-8-2010, UBND huyện Phú Xuyên họp triển khai phòng, chống bão lụt, đến ngày 20-8 ra quyết định dừng đốt để bảo vệ mùa màng thì lò chúng tôi đã đỏ lửa từ… ngày 16-8"- ông Phạm Văn Hùng, một chủ lò ở xã Quang Lãng giãi bày. Đáng nói, trong hợp đồng giao thầu đất của xã Quang Lãng với chủ lò ghi rõ điều khoản không được đốt lò khi cây lúa ở thời kỳ mới cấy, trổ bông… Nhưng xem ra những quy định này đã bị chủ lò phớt lờ. Ngoài ra, theo hợp đồng với xã Quang Lãng, các chủ lò chỉ được sản xuất với công suất 30 vạn viên gạch/lò/năm nhưng thực tế đều vượt so với quy định. Đáng ngạc nhiên hơn, đầu năm 2010, nhiều chủ lò đã bất chấp điều khoản trong hợp đồng, thỏa thuận "tay bo" với người dân để được mở rộng vỏ, nâng công suất lên gấp đôi. Rõ ràng, chính quyền xã đã thiếu trách nhiệm, lẽ ra phải chặn đứng sai phạm ngay từ đầu. Chủ tịch UBND xã Quang Lãng Nguyễn Thế Hưng thừa nhận chính quyền đã quản lý lỏng lẻo và cho rằng, trong quá trình thực hiện hợp đồng, các chủ lò vi phạm về cơi nới vỏ lò; vi phạm lưu không bờ sông; chưa có lệnh đốt đã đốt… Ông Hưng cũng cho biết, UBND xã đang quyết liệt chỉ đạo giải quyết việc đền bù thiệt hại cho bà con trong xã và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, khi được hỏi, trong 2 năm còn lại (hợp đồng 5 năm kể từ tháng 11-2007) có để tái diễn sự việc nêu trên, ông Hưng chỉ nói chung chung là sẽ yêu cầu chủ lò thực hiện đúng cam kết ghi trong hợp đồng. Tuy đã nhiều lần chính quyền địa phương "kiên quyết" nhưng vi phạm vẫn hoàn vi phạm, rất có thể những vụ mùa tiếp theo lại "cháy" lúa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lúa bị lò gạch... thiêu rụi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.