(HNMO) - Ngày 12-1, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tổ chức Diễn đàn lữ hành toàn quốc với chủ đề “Giải pháp khôi phục và phát triển” tại huyện đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng với sự tham gia của gần 500 đại biểu, doanh nghiệp lữ hành.
Đây là hoạt động lớn đầu tiên của cộng đồng lữ hành Việt Nam trong năm 2021 để cộng đồng các doanh nghiệp lữ hành cả nước cùng nhìn lại hiệu quả liên kết trong năm qua, từ đó tìm ra những giải pháp trong việc xây dựng sản phẩm mới để kích cầu, phát triển thị trường nội địa, từng bước khôi phục thị trường du lịch trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhìn nhận khó khăn
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài; doanh thu giảm gần 60% so với năm 2019. Trong số các doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khối lữ hành chịu thiệt hại khá nặng nề, bởi đây là đơn vị trung gian, thực hiện các dịch vụ cho du khách. Nhiều đơn vị lữ hành phải đóng cửa, dừng hoạt động; không ít đơn vị phải chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng khối lữ hành cũng đóng góp quan trọng trong việc thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, khôi phục thị trường. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá, ngay khi Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động chương trình kích cầu du lịch, đã có hàng trăm doanh nghiệp lữ hành đăng ký tham gia. “Sự chủ động của các doanh nghiệp lữ hành tạo cho xã hội cảm nhận về sức sống mãnh liệt của ngành Du lịch”, ông Vũ Thế Bình nói.
Nhìn lại hiệu quả một năm thực hiện việc liên minh, liên kết trong việc khôi phục thị trường, Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, dù đạt được những kết quả đáng kể trong việc kích cầu thị trường, song hoạt động liên kết của các đơn vị lữ hành vẫn chủ yếu tập trung ở các đơn vị lữ hành lớn và các hãng hàng không; chương trình kích cầu du lịch diễn ra trong thời gian ngắn, nên chưa tạo được sức hút. Bên cạnh đó, các đơn vị doanh nghiệp và điểm đến chưa có tiếng nói chung, dẫn đến hoạt động kích cầu chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Nhìn nhận vấn đề này, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, khó khăn của hoạt động lữ hành trong năm qua, đó là các đơn vị phải thích ứng với việc xuất hiện những hình thức, xu hướng du lịch mới, như: Du lịch gần nhà, du lịch từng phần, nhỏ lẻ thay vì theo tour truyền thống. Điều này đòi hỏi các đơn vị phải đổi mới hình thức quản lý, kinh doanh để phát triển doanh nghiệp bền vững.
Tăng hiệu quả liên minh kích cầu
Trong năm 2021, trước diễn biến dịch trên thế giới còn phức tạp, du lịch trong nước xác định thị trường nội địa là chủ đạo, các đơn vị lữ hành cần tăng cường hơn nữa các hoạt động liên kết, liên minh. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, thời gian tới, các đơn vị lữ hành cần phát huy cao hơn vai trò dẫn dắt, bởi lữ hành là đơn vị trung gian kết nối với các dịch vụ. Bên cạnh việc tăng tính liên kết, các đơn vị lữ hành cần tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang nét riêng biệt. Cụ thể, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẽ xây dựng sản phẩm riêng của Đà Nẵng bên cạnh các sản phẩm liên kết Đà Nẵng – Quảng Nam – Thừa Thiên - Huế.
Bàn thêm về giải pháp cho hoạt động lữ hành trong thời gian tới, Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, các đơn vị lữ hành địa phương cần tăng thêm tính liên kết với các đơn vị của địa phương khác; phát huy cao vai trò của các hướng dẫn viên tại điểm để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mang tính tại chỗ, chuyên biệt của địa phương. Ngoài ra, để hoạt động lữ hành đạt hiệu quả, các đơn vị phải thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, thiết kế sản phẩm, marketing…
Bổ sung giải pháp phát huy vai trò liên kết của các công ty lữ hành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Lê Thị Hương cho rằng, các đơn vị cần có sự thấu hiểu, chia sẻ khó khăn để cùng xây dựng sản phẩm du lịch an toàn. “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy, bên cạnh việc các đơn vị lữ hành liên minh, liên kết, ngành Du lịch cần có sự hỗ trợ của các lĩnh vực khác, như: Y tế, Công Thương, Thông tin và Truyền thông để du lịch Việt Nam phát triển an toàn, hiệu quả”, bà Lê Thị Hương nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.