Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Lót tay” khi giao dịch là phổ biến

Hà Phong| 03/05/2012 16:06

(HNMO) - Ngày 3-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với UBTƯMTTQ Việt Nam và UNDP đã công bố kết quả cuộc điều tra cảm nhận của người dân về nền hành chính công hay còn gọi là chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI).


Vẫn hành là chính

Chương trình do UB TƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) thực hiện trên phạm vi 63 tỉnh, TP trên toàn quốc của Việt Nam. Để có được chỉ số PAPI được công bố, đã có gần 13.700 người dân được hỏi bằng một bộ câu hỏi xoay quanh 6 nội dung lớn, bao gồm: “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”; “Công khai, minh bạch”; “Trách nhiệm giải trình với người dân”; “Kiểm soát tham nhũng”; “Thủ tục hành chính công” và “Cung ứng dịch vụ công”. Tất cả các câu hỏi được đưa ra khá trực diện, cụ thể, chẳng hạn: người dân có biết các thủ tục giấy tờ để làm sổ đỏ và danh sách hộ nghèo, thu chi của xã, phường hay quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không? Việc làm giấy phép xây dựng, chứng thực giấy tờ thực hiện như thế nào, cán bộ hành chính giải thích và hướng dẫn ra sao?...

Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá CCHC để bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước cũng như bảo đảm quyền, lợi ích của công dân.


Thông qua đó, có thể thấy, vẫn còn hiện tượng “hành là chính”. Nhiều thủ tục sẽ không được thực hiện nếu người dân “không chịu bôi trơn” cơ quan công quyền. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công là chưa hiệu quả vì “hiện tượng hối lộ khá phổ biến”. Không có địa phương nào trong số các tỉnh, TP được khảo sát là không có hiện tượng “tham nhũng vặt” và hầu hết người dân khi phải làm “những thủ tục bắt buộc phải làm trong đời” đều phải hối lộ cán bộ.

Đáng lưu ý, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đang gây nhiều khó khăn cho người dân, đặc biệt là những đối tượng trình độ hiểu biết thấp, dẫn đến căng thẳng, đối đầu giữa người dân và các cấp chính quyền. Đó là do thiếu công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi và giá đền bù đất chưa hợp lý. Cứ 8 người trong số 10 người được hỏi cho biết họ không được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của xã, phường. Trên toàn quốc có 21% người trả lời cho biết hối lộ để làm xong thủ tục về chứng nhận quyền sử dụng đất là cần thiết. Chỉ có 12,86% số hộ gia đình bị mất đất cho biết giá đền bù gần với giá thị trường. Hải Phòng là địa phương mà người dân đánh giá thấp về vấn đề kiểm soát tài nguyên, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Để có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân nơi đây phải chi tiền "lót tay" ở ngưỡng 9,8 triệu đồng. Bên cạnh đó Hưng Yên cũng là tỉnh có chỉ số thấp trong lĩnh vực này, chỉ có 29% người được phỏng vấn nói họ không phải đưa hối lộ. Ngược lại, ở Hà Giang người dân hầu như không phải mất thêm tiền cho thủ tục này. Điều đặc biệt nữa là vấn nạn phong bì ở các bệnh viện tuyến quận - huyện còn cao với tiền chi trung bình là 2,6 triệu đồng. Văn hóa phong bì để xin việc làm trong các cơ quan nhà nước cũng phổ biến trên phạm vi toàn quốc

Hà Nội đạt điểm khá về cung ứng dịch vụ công

Rõ ràng đây là vấn đề xã hội. Nguyên nhân của vấn đề này là do hệ thống chính sách, quản lý còn lỏng lẻo. Muốn chữa căn bệnh này, những người làm chính sách phải tìm ra giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa, loại bỏ dần tham nhũng ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, không thể vì một vài địa phương làm chưa tốt mà đánh giá cả nền hành chính công chưa tốt. Theo kết quả khảo sát, Bình Dương, Cà Mau, Bình Định, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc nhóm đạt điểm cao nhất về kiểm soát tham nhũng. Đà Nẵng nằm trong nhóm thành phố trực thuộc TƯ đạt điểm cao nhất về thủ tục hành chính công. Hà Nội đạt điểm khá ở các nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch”, và “Cung ứng dịch vụ công”, song đạt điểm trung bình thấp ở nội dung “Kiểm soát tham nhũng”.

Ông Jairro Acuna Alfaro - cố vấn chính sách và cải cách hành chính của Chương trình phát triển của Liên Hiệp quốc (UNDP) cho rằng, việc tỉnh này có điểm cao, tỉnh kia có điểm thấp không quan trọng, hy vọng những con số vừa công bố giúp các địa phương biết điểm yếu, điểm mạnh của tỉnh mình và điều chỉnh, phục vụ người dân tốt hơn. Để mỗi khi người dân đến với chính quyền địa phương, họ phải có tâm thế như một khách hàng, để được phục vụ và chính những cán bộ công chức phải là những người phục vụ họ. Trên thực tế, hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền không nằm ở cam kết, lời hứa hay những văn bản hay bộ máy hoạt động mà người dân chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng - liệu người dân đã thực sự là khách hàng, để được hưởng thụ những dịch vụ công mà thực tế họ đã phải bỏ tiền ra để chi trả.

Cũng qua nghiên cứu này, các địa phương sẽ có cơ hội học hỏi lẫn nhau từ những chỉ số tích cực. Chẳng hạn, theo khảo sát, Phú Thọ được người dân cho là có ít “tham nhũng vặt” trong khu vực công, nhưng kiểm soát “tham nhũng vặt” lại chưa cao. TP Hồ Chí Minh được dân đánh giá cao về thông tin thủ tục rõ ràng, công khai về chi phí, thời gian cũng như thái độ của CBCC, nhưng lại mất điểm ở việc giấy tờ quá nhiều. Khi xét tổng thể các tiêu chí, TP Hồ Chí Minh có điểm trung bình cao nhất, nhưng về sự tham gia của người dân, họ có thể phải học tập Hải Dương, về kiểm soát tham nhũng cần học Cà Mau hay Bình Định, còn cung ứng dịch vụ công họ cần học Hải Phòng...

Trong số 330 người trả lời trên toàn quốc cho biết: cá nhân họ hoặc người thân trong gia đình đã bị cán bộ xã/phường vòi vĩnh thì chỉ có 13,27% cho biết họ đã tố cáo. Những lý do người dân giải thích về việc tại sao mặc dù là nạn nhân của tham nhũng nhưng họ không tố cáo rất đa dạng: 47,45% cho biết tố cáo không mang lại lợi ích gì; 12, 77% sợ bị trù úm, trả thù; 11,31% thấy rằng thủ tục tố cáo quá rườm rà, 10,22% không biết tố cáo như thế nào, và số còn lại đưa ra nhiều lý do khác nhau hoặc từ chối không trả lời câu hỏi.

Ông Hà Công Long, Phó trưởng Ban Dân nguyện của QH cho rằng: Những thông tin của PAPI là rất quan trọng. Đại biểu QH phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân từ chính những số liệu này. Trong đó, chỉ số về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giúp hoàn thiện thể chế, phòng ngừa tham nhũng. Từ đây, đại biểu QH phải nghiên cứu để tham gia xây dựng luật, nhất là Luật Đất đai.

TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam: Người dân rất công bằng, không nói xấu cũng như nói toàn tốt về chính quyền. Bằng chứng là bảng về cải cách hành chính người dân đánh giá tốt, như thủ tục công chứng, chứng thực. Tôi không bất ngờ về số tiền người dân phải bôi trơn, trung bình lên tới 7,4 triệu đồng/năm. Tình hình tham nhũng ở Việt Nam đã trở nên phổ biến, nên khắc phục phải cần thời gian dài. Hy vọng 5-10 năm nữa, tình hình này sẽ được cải thiện.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Lót tay” khi giao dịch là phổ biến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.