Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Lồng son'' - thăm thẳm phận người

Vũ Thị Thanh Hòa| 16/10/2021 12:26

(HNMCT) - Cô giáo - nhà văn Trần Thúy Lành được bạn đọc biết đến với giải thưởng “Tác phẩm tuổi xanh” của Báo Tiền Phong năm 1997, giải Ba cuộc thi sáng tác về đề tài “Vì bình yên cuộc sống” năm 2020 cùng với nhiều tác phẩm được đăng tải trên các báo, tạp chí. Nối tiếp thành công của tập truyện “Đi qua mùa trăng” để lại nhiều dư âm trong lòng bạn đọc, mới đây, tập truyện ngắn “Lồng son” của chị đã ra mắt, khẳng định một phong cách riêng đến độ chín đằm.

“Lồng son” là bức tranh sinh động, trải dài từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi phía Bắc hay vùng biển miền Trung đầy nắng gió đến nước Đức xa xôi ("Những cây vừng nở hoa", "Biển gọi", "Hồi hương"). 19 truyện ngắn giống như những mảnh ghép của cuộc đời. Mỗi nhân vật một hoàn cảnh, một cuộc sống để lại nhiều suy tư. Nhân vật của chị xuất hiện đa dạng với nhiều ngành nghề: Sinh viên ("Ở trọ"), nhà báo ("Biển gọi"), công nhân may ("Bắt ma"), bác sĩ sản khoa ("Báu vật"), thượng tá quân đội ("Đêm trắng"), Ô sin ("Người giúp việc") cùng những tốt xấu đan cài. Với lối kể chuyện tự nhiên, linh hoạt, cách quan sát tinh tế, tỉ mỉ, chị viết bằng cái nhìn sắc sảo, thấu hiểu diễn biến tâm lý của nhân vật, tạo nên sức hút cho câu chuyện.

Trần Thúy Lành như con ong cần mẫn thu nhặt chất liệu cuộc sống để dệt nên những trang viết làm toát lên hiện thực đời sống. Đó là “Đêm trắng” với câu chuyện của gia đình quyền chức chiều chuộng con cái, buông lỏng quản lý, thiếu sự quan tâm dạy dỗ dẫn đến con cái hư hỏng, sa vào tệ nạn xã hội. Là “Cõi mê” kể về những người con trưởng thành mê mải làm ăn, bỏ mặc cha mẹ già sống trong cô đơn, bệnh tật... Đó còn là vấn đề ngoại tình, là tình yêu của những người thuộc giới tính thứ ba được chị khai thác tinh tế trong “Lồng son”, hay truyện ngắn “Bắt ma” viết về tệ mê tín dị đoan. Đó là “Biển gọi” - câu chuyện của nhiều bạn trẻ muốn lập nghiệp bên trời Tây với ước mơ đổi đời nhưng phải sống tha hương, trải qua bao đắng cay, mất mát để rồi nhận ra: Quê hương mới là nơi bình yên nhất...

"Lồng son” như một lời cảnh báo về hiện trạng gia đình với những cảnh đời bất hạnh chạm đến trái tim bạn đọc. Trong những truyện ngắn như “Báu vật”, “Bóng chiều sắp tắt”, “Hồi hương”, “Người giúp việc” là hình ảnh những người phụ nữ hồn hậu, luôn coi trọng giá trị truyền thống nhưng phận đời trắc trở, phải chịu đựng nạn bạo hành, phản bội. Thân phận của người phụ nữ hiện lên trong “Lồng son” với nhiều nỗi vất vả, trầm luân.

Tác giả Trần Thúy Lành khéo léo đan cài câu chuyện về luật nhân quả, báo ứng, mang lại cho người đọc nhiều suy ngẫm. Như chuyện nam nữ thanh niên tự do yêu đương, sống thử trước hôn nhân, dẫn đến việc nạo phá thai, bị người yêu bỏ rơi, phải chịu hậu quả vô sinh ("Người đàn bà trong gương", "Ở trọ"). Hay một ông chồng nát rượu thường xuyên bạo hành vợ con để rồi đến cuối đời phải chịu nỗi hành hạ đau đớn bởi bệnh tật ("Bóng chiều sắp tắt").

Được viết cô đọng, văn phong giản dị, mạch lạc, từng chi tiết trong truyện được tác giả Trần Thúy Lành dày công chắt lọc. Đằng sau những câu chuyện, những thân phận cuộc đời khiến người đọc động lòng trắc ẩn, ngẫm ngợi là thấp thoáng tình đời mang ý nghĩa nhân văn của tác giả. Với điểm nhìn tràn đầy lòng thương cảm với thân phận con người, lên án sự tha hóa, phê phán cái xấu, đa phần kết truyện trong “Lồng son” gợi mở tia sáng ấm áp ánh lên niềm hy vọng.

Sinh năm 1980, tác giả Trần Thúy Lành là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương. Hiện chị là giáo viên ngữ văn của một trường trung học phổ thông tại Hải Dương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Lồng son'' - thăm thẳm phận người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.