(HNMCT) - Chùa Long Sơn là ngôi cổ tự ở xứ trầm hương - thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Cùng với các di tích, danh thắng khác như Tháp Bà Ponagar, Khu biệt thự Cầu Đá, Bảo tàng Hải dương học, Nhà thờ đá..., ngôi chùa này là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi đến thành phố biển Nha Trang.
Cổ tự trăm tuổi
Chùa Long Sơn (hay Long Sơn tự, Đằng Long tự, dân gian thường gọi là chùa Phật Trắng) là ngôi cổ tự hơn một trăm năm tuổi, nằm ở chân đồi Trại Thủy (phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Ngôi chùa được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 3.000m2 với kiến trúc uy nghi, hài hòa, ẩn mình cùng thiên nhiên. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Bên cạnh chùa là Trường Trung cấp Phật học và trụ sở Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa. Các công trình này tạo thành một quần thể kiến trúc Phật giáo độc đáo, thu hút nhiều khách tham quan.
Chùa Long Sơn do hòa thượng Thích Ngộ Chí (1856 - 1935) khởi dựng năm 1886. Ban đầu chùa có tên là Đằng Long tự - một am nhỏ bằng tranh tre, nứa lá nằm trên đỉnh đồi. Năm 1900, sau một cơn bão lớn, chùa bị tốc mái và đổ sập. Sư tổ đã dời chùa xuống chân đồi (vị trí ngày nay), đổi tên là Long Sơn tự. Năm 1938, vua Bảo Đại sắc phong cho chùa là “Sắc tứ Long Sơn tự”. Năm 1941, chùa được trùng tu với quy mô lớn, đến năm 1968 lại bị hư hại do chiến tranh. Sau đó 3 năm (1971), Thượng tọa Thích Thiện Bình đứng ra trùng tu chùa. Nhiều năm sau, chùa mới được hoàn thành như bây giờ.
Hạng mục lớn nhất của chùa là chính điện, nằm trong khuôn viên rộng nhiều cây xanh. Khoảng sân phía trước chính điện là bảo tháp Giác ngộ bằng đá. Chính điện là một tòa nhà 5 gian hai tầng mái. Công trình sử dụng vật liệu bê tông cốt thép nhưng hình dáng vẫn theo lối kiến trúc Phật giáo truyền thống. Từ sân có hai lối bậc cấp hai bên để đi lên chính điện, giữa có một bức tranh lớn khảm sành sứ hình mặt rồng và chữ “Vạn”. Chính điện rộng khoảng 1.500m2, bên trong là pho tượng Phật tổ bằng đồng trong tư thế đang ngồi thuyết pháp. Bức tượng cao 1,6m, nặng 700kg.
Độc đáo tượng Phật nằm
Từ chùa đi lên đỉnh đồi Trại Thủy phải qua 193 bậc đá. Tại bậc thứ 44 là tượng Phật tổ nhập niết bàn với bức tượng Phật nằm dài 17m, cao 5m, đằng sau là bức phù điêu mô tả cảnh 49 đệ tử túc trực niệm Phật. Tiếp đó là tháp chuông với quả đại hồng chung cao 2,2m, nặng 1.500kg.
Trên đỉnh đồi là bức tượng Kim thân Phật tổ (tượng Phật trắng) trong tư thế ngồi thuyết pháp, được xây bằng bê tông trên nền cũ của chùa Đằng Long, có chiều cao 14m, riêng đài sen cao 7m với đường kính rộng 10m. Xung quanh đài sen là phù điêu chân dung hòa thượng Thích Quảng Đức cùng 6 vị hòa thượng đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm (năm 1963). Tượng Kim thân Phật tổ đã được Sách kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là “Tượng Phật ngoài trời lớn nhất Việt Nam”. Điều thú vị là bức tượng này không nhìn ra phía trước theo bố cục đăng đối thường thấy mà xoay nghiêng góc 90 độ theo trục chính của chùa. Từ phía cổng chùa nhìn lên đỉnh đồi sẽ thấy tượng quay mặt sang bên phải.
Chùa Long Sơn là một điểm di tích tâm linh có bề dày lịch sử gắn với sự phát triển của Phật giáo Khánh Hòa nói riêng và vùng Nam Trung Bộ nói chung. Ngôi cổ tự còn là trụ sở Hội Phật giáo tỉnh, nơi đào tạo Phật học và là nơi tưởng niệm các vị hòa thượng đã tử vì đạo. Vì vậy, chùa có một vị thế và ý nghĩa vô cùng to lớn.
Chùa Long Sơn là một trong những điểm đến nằm trong hành trình tham quan của nhiều du khách khi đến Nha Trang. Tài xế taxi Nguyễn Văn Chánh cho biết anh thường đưa khách đến chùa Long Sơn để chiêm bái, vãng cảnh. Với những du khách chưa biết điểm du lịch này, anh đều giới thiệu như một niềm tự hào của thành phố biển Nha Trang. Còn bà Phạm Thị Thao, người dân thành phố Nha Trang tâm sự: “Mồng 1 và ngày rằm nào tôi cũng đi lễ ở chùa Long Sơn. Lần nào cũng vậy, lễ ở chính điện xong, tôi lại lên đỉnh đồi để chiêm bái tượng Phật tổ. Mỗi lần như vậy, tôi cảm thấy khỏe mạnh, tĩnh tâm hơn, và thấy thêm yêu thành phố biển Nha Trang xinh đẹp với những danh thắng tuyệt vời...”.
Chùa Long Sơn là ngôi cổ tự đặc biệt vừa mang những nét kiến trúc truyền thống của Phật giáo Việt Nam, vừa để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách bởi sự độc đáo của các pho tượng và cảnh quan thơ mộng. Bởi thế, nơi đây luôn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với thành phố biển Nha Trang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.