Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lòng nhân ái luôn tồn tại

Người Xây dựng| 07/06/2015 05:11

(HNM) - Chiều 1-6, có một cụ già dắt chiếc xe đạp mini cũ, đi dọc phố Tôn Thất Tùng, đến ngõ nào ông cũng hỏi thăm: Ông bà có nhớ cách đây một tháng, tại phố này có người bị say nắng nằm bên đường đã được bà con giúp đỡ không? Vẫn câu hỏi ấy, ông cụ hỏi lần lượt các ngõ nhưng không ai biết, mãi mới có một bà hàng nước trả lời:

- À, tôi nhớ ra rồi! Có một buổi trưa trời cũng nắng gắt như thế này. Có người đã ngã nắng ở ngõ trên, mọi người túm lại giúp đỡ. Một cô chạy đến hàng tôi mua chai nước ngọt, cô ấy bảo: "Đằng kia có một ông cụ ngã nắng, bán cho cháu chai nước cam lạnh, để cháu giúp cụ ấy uống cho đỡ mệt".

Nghe được tin ấy, ông cụ hỏi tiếp:

- Vậy thì bà có biết cô ấy ở đâu không?

- Cụ hỏi để làm gì? - Bà hàng nước hỏi lại.

- Không giấu các ông bà, tôi là Vũ Kiêm Ninh chính là người đã gặp chuyện không may tại đây. Hôm ấy là ngày

1-5, tôi đi Thường Tín thăm quê nhưng không ngờ thời tiết nắng nóng quá, khi quay về tới đây thì chóng mặt lảo đảo, tôi ngã lăn bên đường. Trong lúc mê man, tôi mơ hồ cảm thấy có ai đỡ đầu, rồi ai đó đổ từng thìa nước ngọt vào cổ họng. Lại có chuông điện thoại reo, tiếng người gọi và trả lời, rồi tôi thiếp đi... Bây giờ tôi đã khỏe, tôi tìm đến đây để tạ ơn người tốt đó.

- Chuyện đường, chuyện phố mà, cụ ơi! Bà con chúng tôi vẫn thường giúp người bị nạn, có ai để lại hình tích gì đâu. Cô ấy cũng không phải là người trong ngõ này, chỉ là người qua đường thôi. Sau đợt say nắng mà cụ đã khỏe mạnh thế này là mừng rồi. Cụ đừng nên áy náy.

Không gặp được ân nhân, nhưng cụ Ninh vẫn mong Người Xây Dựng ghi lại câu chuyện để tỏ lòng cảm tạ những việc làm tốt. Ông cha ta dạy "thấy người hoạn nạn thì thương". Câu chuyện nêu trên của cụ Ninh càng cho thấy rõ sự tồn tại của nét đẹp trong truyền thống nhân ái, nhân văn của dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lòng nhân ái luôn tồn tại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.