(HNM) - Khi những chiếc lá cuối thu của rừng cây ven đường tô sắc vàng chen lẫn đỏ sậm thơ mộng vắt ngang nền trời xanh biếc cũng là lúc chúng tôi bắt đầu chuyến hành trình khám phá vùng đất phía Tây nam của hòn đảo chính Honshu...
Mùa vàng Kyushu
0h20 một ngày trung tuần tháng 11, đoàn phóng viên hai miền Nam - Bắc chào Sài Gòn để đến với vùng Kyushu, nơi được xem là cửa ngõ phía Tây nam Nhật Bản, trên chuyến bay thẳng của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam. Sau gần 5 giờ bay, Kyushu dần hiện ra với những nét chấm phá rất lạ từ trên cao: Một hòn đảo đẫm sương thu được bao bọc bởi mênh mông nước biển; những rừng cây nhuộm sắc thu đỏ, vàng nghiêng mình trong se lạnh, những dãy xe ô tô xếp hàng thẳng tắp như chờ lệnh duyệt binh và cả những con đường nhỏ xinh vươn ra biển... Sau buổi họp báo nhanh, gọn do Cục Xúc tiến du lịch vùng Kyushu tổ chức ngay tại sân bay, chúng tôi tạm chia tay tỉnh Fukuoka trong lưu luyến bởi sự tiếp đón chân tình của các bạn ở Cục Xúc tiến du lịch Fukuoka dành cho đoàn. Và việc đầu tiên nhóm phóng viên tập làm quen chính là vẫy tay chào đáp lễ những người ở lại - bởi người Nhật khi chia tay khách thường đứng vẫy chào cho đến khi không thể nhìn thấy nhau.
Mùa lá vàng trên các đường phố Nhật Bản đẹp đến nao lòng. |
Cuối thu, trời xanh biếc, nắng nhẹ, gió nhẹ như mê hoặc cùng với chút se lạnh khiến mọi cung đường trên đảo Fukuoka đẹp như mơ, khiến mọi thành viên dù đang hăm hở tay bút, tay máy cũng phải "tạm gác" để thả hồn mơ màng, bồng bềnh qua những vạt rừng trôi bên cửa kính.
Người Nhật Bản nói chuyện nhỏ nhẹ, rất trân trọng cảm xúc, cảm giác của người khác và nổi tiếng thích ngắm hoa. Vào mùa xuân, khi hoa anh đào nở rộ cũng là lúc mọi người rủ nhau đến công viên, ngồi bên gốc cây vừa ngắm hoa, vừa chuyện trò. Nhưng người dân đất nước của núi Phú Sĩ cũng xem mùa thu là đỉnh cao của sự hoàn mỹ khi những chiếc lá vàng, lá đỏ tô sắc trên những cung đường, những vạt rừng hay trên những góc phố, công viên. Và ở Kyushu, người dân yêu thích ngắm lá vàng, lá đỏ như ngắm hoa anh đào. Họ đã đặt tên cho mùa đẹp nhất trong năm này rất lãng mạn - mùa "nhặt lá thu". Trong các loại cây trổ lá vàng vào mùa thu, đẹp nhất phải kể đến cây bạch quả (còn có tên khác là cây rẻ quạt vì chiếc lá có hình giống như rẻ quạt), tên tiếng Nhật là icho (ngân hạnh), màu vàng của loại lá này có độ rực rỡ và quyến rũ nhất trong các loại cây mùa thu ở Nhật Bản. Cứ vào độ trung tuần tháng 10, cây cối ở Kyushu dần được nhuộm màu đỏ, màu vàng, và bức tranh thu sẽ dần hiện ra, thay đổi từng ngày - đẹp ngỡ ngàng. Trên những con đường nhỏ uốn lượn theo sườn núi, đâu đâu cũng thấy rực rỡ màu lá thu. Ngay giữa lòng trung tâm các con phố vừa hiện đại, vừa cổ kính ở vùng Kyushu những hàng cây icho trổ lá vàng rực bên hè đường sạch láng, thoai thoải dốc cũng mang một nét đẹp vô cùng đặc sắc, làm xao xuyến lòng người.
Thật khó gọi tên cảm giác lãng du, bồng bềnh khi ngắm nhìn mùa cây thay lá giữa nắng, gió thu ở đây. Nhưng giữa cảm giác ấy, phóng tầm mắt miên man trên đỉnh đồi lộng gió ngắm cột khói trắng khổng lồ từ miệng núi lửa Aso vút lên trời xanh đã cho tất thảy chúng tôi thêm cảm giác thật sảng khoái khi được đứng giữa không gian rộng lớn, tĩnh lặng và vô cùng trong lành... rồi không quên ghi vào sổ tay: "... Núi lửa Aso nằm trong điểm tham quan Vườn quốc gia Aso, đây được xem là miệng núi lửa lớn nhất thế giới, nằm ở độ cao 1.268m so mực nước biển. Nơi này được mệnh danh là "vùng của lửa", ngọn núi lửa còn đang hoạt động lớn nhất Nhật Bản và là một trong những ngọn núi lửa lâu đời nhất trên thế giới...".
Có một Châu Âu trong lòng thành phố hoài cổ
Trước khi đến đây, tìm hiểu trên nhiều kênh thông tin, chúng tôi biết Kyushu là vùng đất ẩn chứa nhiều nét đẹp văn hóa rất riêng của Nhật Bản. Ở đây có sự phát triển hài hòa, rất "thong thả" giữa phong cách của các thành phố hiện đại và cổ kính. Dù Nhật Bản được mệnh danh là đất nước của công nghệ điện tử, của tàu siêu tốc, tàu cao tốc trong lòng đất thì vẫn có thể tìm thấy ở vùng Kyushu mạng lưới giao thông bằng xe điện trên mặt đất rất thuận tiện, thân thiện với môi trường. Các con đường nối giữa 7 tỉnh Fukuoka, Saga, Nagasaki, Kumamoto, Oita, Miyazaki, Kagoshima không rộng lớn, thênh thang như ta tưởng, thậm chí có nhiều con đường nhỏ hơn nhiều so với đường quốc lộ ở ta.
Anh Tất Tử Khánh Châu, hướng dẫn viên của Công ty Vietravel cho biết, ở Nhật Bản, nhất là vùng Kyushu, mọi thứ từ nhà hàng, công viên, khách sạn, đường quốc lộ, siêu thị... đều có quy mô vừa đủ, có khi còn là quá nhỏ so với điều kiện kinh tế của vùng, nhưng đặc biệt phù hợp với phong cách sống thong thả, lặng lẽ, chăm chỉ và trật tự, kỷ luật của cư dân ở đây. Ở đây, dù ngay tại trung tâm thành phố thủ phủ của một tỉnh chúng tôi cũng không hề thấy có biển hiệu nào to, hoành tráng đến mức quá khổ, nhấp nháy đèn xanh, đỏ nhằm hút khách như ở chỗ khác. Mọi thứ đều vừa đủ, không phô trương, hào nhoáng. Và thật khó để có một thứ gì đó khác biệt, "chen" vào nét kiến trúc trầm lắng, rất Á Đông của người Nhật Bản.
Thế nên, tại buổi họp báo, khi ông Tetsuro Kawano, Giám đốc Phát triển thị trường du lịch nước ngoài (Cục Xúc tiến du lịch vùng Kyushu) cho biết, ngoài những nét kiến trúc mang phong cách đặc trưng của đất nước Nhật Bản, chúng tôi còn được khám phá một "món quà" mùa thu rất lãng mạn mang phong cách Châu Âu... thì cả đoàn chúng tôi đều "ngơ ngác". Chỉ đến khi đặt một bước chân qua cổng Công viên Huis Ten Bosch (thành phố Nagasaki) chúng tôi mới hiểu "món quà" mùa thu Châu Âu lãng mạn thế nào trong lòng một đô thị Châu Á.
Hướng dẫn viên Saya Kawano cho biết, Công viên Huis Ten Bosch rộng hơn 120ha được đặt tên sau khi một gia đình Hoàng gia người Hà Lan đến đây cư trú. Toàn bộ công viên được xây dựng như một thị trấn Hà Lan thu nhỏ với những con kênh trong xanh, cối xay gió, vườn hoa tulip rực rỡ, các cửa hàng, tiệm ăn nhỏ xinh xắn như trong truyện cổ tích... Để tham quan hết Công viên Huis Ten Bosch, khách du lịch phải mất ít nhất ba ngày. Dưới trời thu mát dịu, Huis Ten Bosch như một tiểu thư quyến rũ, lãng mạn và rất đỗi ngọt ngào. Xuống thuyền lướt nhẹ trên dòng kênh, chui qua những cây cầu đá cổ, ngắm cối xay gió in màu thời gian lên nền trời, hai bên bờ những biệt thự ẩn hiện trong hàng cây đỏ rực sắc thu Châu Âu, những khóm hồng tỏa hương, khoe sắc ngập trong tiếng nhạc cổ điển du dương khiến chúng tôi tưởng chừng như đang được sống trong một bộ phim lãng mạn.
Được biết, Huis Ten Bosch cũng là địa điểm thường xuyên tái hiện các lễ hội truyền thống trong năm. Công viên gần như chật kín người tham quan vào các dịp tổ chức lễ hội, ngày thứ bảy, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ. Khi được ngắm toàn cảnh công viên trên đài quan sát, thu vào ống kính những khung cảnh rất Châu Âu giữa lòng một thành phố Nhật Bản; tham quan Viện Bảo tàng bom nguyên tử và Công viên Hòa Bình, chúng tôi thêm thấu hiểu và khâm phục sức sống nội sinh mãnh liệt của người dân Nhật Bản.
Nagasaki - một thành phố bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh Thế giới thứ hai, nơi mà vụ nổ bom nguyên tử rung động thế giới năm 1945 đã san phẳng cả một vùng rộng lớn với ước tính 74.000 người thiệt mạng... Bây giờ, ở đây có nhiều điểm du lịch văn hóa sinh thái nổi tiếng. Và với người dân Nhật Bản, họ đến đây không chỉ để thưởng thức cảnh đẹp, tham gia các chương trình vui chơi giải trí, mà nhiều gia đình còn giúp hậu thế khắc ghi những bài học lịch sử của đất nước Mặt trời mọc và thành phố Nagasaki.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.