(HNM) - Cà phê Việt Nam chiếm gần 30% sản lượng giao dịch nhưng kim ngạch chỉ chiếm 10% tổng giá trị thương mại trên toàn thế giới. Thông tin này được nêu ra tại hội thảo “Gia tăng giá trị xuất khẩu cà phê nói riêng, nông sản nói chung” tiếp tục là vấn đề "nóng".
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu 1,6 triệu tấn cà phê với kim ngạch lên tới trên 3,4 tỷ USD, đạt đỉnh cao nhất từ trước tới nay và lần đầu tiên vượt qua Brazil lên đứng đầu thế giới. Một thông tin khác, tháng 1-2013, lượng cà phê xuất khẩu Việt Nam đạt gần 219.000 tấn, tăng hơn 34% so với tháng trước và tăng gần 86% so với cùng kỳ năm 2012 (con số này cao hơn dự báo trước đó). Trong bối cảnh u ám của suy thoái kinh tế toàn cầu, rất nhiều nhóm ngành hàng, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng hoặc phá sản thì ngành cà phê Việt Nam đã đem đến những tín hiệu lạc quan.
Tuy nhiên, đây là một tin vui không trọn vẹn. Bởi lẽ, 1kg cà phê nhân của Việt Nam chỉ thu về được khoảng 2 USD, tương đương với 1 ly cà phê ở nước ngoài. Trong khi đó, 1kg cà phê nhân sau khâu chế biến có thể pha được 50 ly cà phê. Chưa kể, thiên tai gây mất mùa hay biến đổi khí hậu làm cạn kiệt nguồn nước tưới cho cà phê ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng luôn là nguy cơ hiện hữu, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thường bị ép giá trên thị trường thế giới. Điều đáng nói hơn, phần lớn nông dân trồng cà phê vẫn chưa làm giàu được từ loại cây công nghiệp này. Bình quân mỗi lao động trồng cà phê thu nhập chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, thấp hơn ngành dệt may với bình quân hơn 7 triệu đồng/tháng.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng nêu trên? Thứ nhất, không thể không nói đến chuyện chạy theo phong trào của những người trồng cà phê dẫn tới tình trạng diện tích cà phê tuy nhiều nhưng lại phân tán, gây khó khăn cho việc tạo vùng nguyên liệu, vật tư kỹ thuật và chế biến theo mô hình sản xuất lớn. Thứ hai, thói quen thu hoạch của người trồng cà phê. Hiện nay vẫn còn khoảng 90% nông dân thu hái cà phê xanh, khiến giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn 30-40 USD/tấn so với các nước khác. Thứ ba, số lượng nhà máy chế biến cà phê hòa tan và rang xay quá ít, chỉ giải quyết được chưa đến 10% sản lượng. Thương hiệu cà phê Việt cũng không nhiều (chỉ có 4 thương hiệu cà phê hòa tan và 20 thương hiệu cà phê rang xay). Thứ tư, các nhà máy chế biến chưa có sự gắn kết với người sản xuất nguyên liệu, cũng như chưa có sự xâu chuỗi trong lưu thông thị trường… Những nguyên nhân này đều không mới nhưng vẫn luôn là vấn đề "nóng".
Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu thì việc tổ chức lại khâu sản xuất và chế biến là hết sức cần thiết. Cùng với việc xây dựng một chiến lược phát triển cho ngành cà phê Việt Nam, các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần tạo ra những cơ chế để doanh nghiệp và người sản xuất "bắt tay nhau" hướng đến mục tiêu chung là gia tăng giá trị sản phẩm trên cơ sở cùng có lợi. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để phát triển ngành cà phê một cách bền vững.
Nếu chúng ta chưa có tư duy và phương thức làm ăn mang tính chuyên nghiệp thì hoàn toàn có thể nhận định rằng: Cà phê nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung chưa thể thoát khỏi "phận long đong".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.