(HNM) - Trong khi nhiều ngành đang bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thì nông nghiệp đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng. Với khả năng tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho 70% dân số ở nông thôn, hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đang khởi sắc, nông nghiệp một lần nữa trở thành bệ đỡ của nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Xuất khẩu thủy sản đạt mức tăng trưởng 30% trong hai tháng đầu năm 2011. Ảnh: Minh Nguyễn
Hai tháng qua, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt mốc 2 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó phải kể đến tốc độ tăng trưởng của thủy sản, trong hai tháng, nhóm mặt hàng này mang lại kim ngạch trên 830 triệu USD, tăng gần 55%. Giá trị và lượng xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... đang duy trì mức tăng trưởng 30%, nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong những tháng tiếp theo. Tương tự, cà phê cũng là mặt hàng tăng trưởng mạnh về giá trị, hiện giá cà phê xuất khẩu đang ở mức kỷ lục cao nhất trong vòng 15 năm qua. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu cà phê trong năm nay chạm mốc 2,4-2,5 tỷ USD, vượt kỷ lục xuất khẩu năm 2007. Xuất khẩu gạo cũng sẽ mang lại nhiều triển vọng cho nông dân sản xuất lúa hàng hóa khi không ít quốc gia rơi vào cảnh mất mùa do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, chiến sự... Đây là cơ hội lớn cho gạo Việt Nam bứt phá và giành được những thắng lợi. Điều này thể hiện ở chỗ, chưa năm nào trong chuỗi xuất khẩu mà lượng gạo giao trong hai tháng đầu năm lại lớn như vậy, tới 1,1 triệu tấn.
Giám đốc Trung tâm Thống kê tin học (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Viết Chiến cho rằng, việc tăng tỷ giá VND/USD đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Tuy có bị tác động một phần do giá một số mặt hàng vật tư nông nghiệp nhập khẩu tăng cao, nhưng lượng nhập khẩu lại giảm, nông dân đang quay lại sử dụng vật tư nông nghiệp trong nước giá thấp hơn nên giá trị tăng thêm cũng cao hơn. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm nay không những được lợi về giá mà lợi cả về tỷ giá do sự điều tiết vĩ mô khá hiệu quả của Chính phủ.
Tăng trưởng nông nghiệp là bệ đỡ cho toàn bộ nền kinh tế trong cơn suy giảm. Theo TS Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, với khả năng tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho số đông dân cư, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Sản xuất nông nghiệp được coi là "bước đệm" tạo sức bền cho nền kinh tế. Bởi khu vực này không chỉ tạo ra giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng lớn mà còn góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận người lao động thất nghiệp ở thành thị.
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ NN&PTNT đang tiến hành rà soát lại quy hoạch, xác định vùng có khả năng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết mở rộng diện tích đất trồng lúa vụ thu đông tại Đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu tăng thêm 1 triệu tấn lúa năm 2011. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng việc tăng giá xuất khẩu trong hai tháng qua đã mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. Vấn đề lúc này là hạn chế tác động xấu của việc tăng giá, bằng việc gia tăng sản xuất cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm trong nước và xuất khẩu, chỉ can thiệp đến thị trường trong trường hợp đặc biệt khẩn cấp.
TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn: Năm 2008, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, nền kinh tế Việt Nam suy giảm tốc độ tăng trưởng, các ngành công nghiệp xuất khẩu giảm mạnh, duy nhất ngành nông nghiệp duy trì được tăng trưởng. Nhìn rộng ra, hơn 20 năm đổi mới, nông nghiệp thực sự là nền tảng chống chịu rủi ro cho tăng trưởng qua hai thời điểm khủng hoảng do mất mát thị trường Đông Âu và khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực Đông Nam Á. Lần này cũng vậy, nông nghiệp đang tận dụng giá xuất khẩu nông sản tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, bảo đảm thu nhập cho nông dân. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.