Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi thì có lợi…

Thiện Mỹ - Chí Kiên| 04/08/2015 06:42

(HNM) - Được coi là nghề

Nghề "độc"!

Đi trên con đường liên xã từ Ngọc Mỹ đến Cấn Hữu (Quốc Oai), chúng tôi bắt gặp nhiều xe gắn máy chở 3 đến 4 bao tải chạy băng băng hướng về xã Cấn Hữu. Hỏi thăm một người phụ nữ luống tuổi đang vơ cỏ trên thửa ruộng ngay vệ đường, chúng tôi được biết đó là những người dân thôn Cấn Thượng đang vận chuyển ốc bươu vàng. "Năm nào cũng vậy, sau khi cấy vụ mùa, người dân ở các làng Cấn Thượng, Cấn Hạ, Đĩnh Tú (Cấn Hữu) lại đi thu gom ốc bươu vàng. Họ rời khỏi làng từ 2-3h sáng và trở về khoảng 9 đến 11h trên những chiếc xe chở đầy ốc". Vẫn theo lời người phụ nữ này thì trước khi đi thu gom, người dân đã cất công tìm "mỏ" nên việc nhặt ốc khá thuận lợi, chỉ diễn ra trong một đến hai giờ đồng hồ là có thể đầy từ 2 đến 3 bao tải với trọng lượng lên đến hàng tạ. "Hết ốc bươu vàng ở trong vùng, người dân ở Cấn Hữu lặn lội đi xa, đến tận những tỉnh như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nam... để bắt ốc" - người phụ nữ cho biết thêm.

Tại một điểm thu mua lưỡi ốc bươu vàng.



Vào thôn Cấn Thượng, chúng tôi gặp 2 người phụ nữ vừa đi gom ốc về đang dừng lại ở chợ cóc để mua đồ ăn. Từ đầu tới chân lấm lem bùn đất, chị phụ nữ trùm khăn kín mặt nói: "Tranh thủ lúc nông nhàn đi gom ốc về bán để có đồng ra đồng vào. Năm nay thu gom cũng khó khăn hơn, chúng tôi phải đi xa hơn, giá ốc cũng rẻ hơn. Những người đi bằng xe đạp như chúng tôi vừa vất vả, vừa chở được ít hơn, vì thế ngày công không bằng người đi xe máy". Trên 2 chiếc xe đạp cà tàng, mỗi chị vận chuyển 2 bao tải ốc, họ bảo: "Mỗi chuyến thế này được khoảng 20kg thịt ốc, với giá bán hiện tại là 14.000 đồng/kg, một ngày kiếm được từ 200.000 đến 300.000 đồng". Để được "bỏ túi" chừng ấy tiền, người dân nơi đây phải dậy từ sớm tinh mơ để đi thu gom và phải ăn vội bữa cơm trưa để cả gia đình tiếp tục sơ chế. Ốc được luộc chín, nhể lấy ruột, tách riêng phần lưỡi ốc và ruột, bỏ vỏ và trứng. Phần lưỡi ốc bán với giá 14.000 đồng/kg, phần ruột bán cho các chủ ao nuôi cá với "giá rẻ như cho".

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Đỗ Văn Hùng cho biết, nghề thu gom ốc bươu vàng đã xuất hiện từ 4 đến 5 năm nay trên địa bàn xã. Trước đây, lượng người tham gia tương đối đông, tuy nhiên ở thời điểm này chỉ còn từ 150 đến 200 lao động. Trở lại thời "hoàng kim", quãng năm 2009-2010, có lái buôn ở xa tới một gia đình trong làng Cấn Thượng đặt hàng thu mua ốc bươu vàng. Ban đầu, người dân trong xã Cấn Hữu cũng "bán tín bán nghi":

Họ mua về để làm gì? Họ có mua thật không?... Nhưng những băn khoăn ấy nhanh chóng tan biến khi việc thu mua ốc bươu vàng của thương lái thành hiện thực. Ngày ấy, ốc bươu vàng tràn lan khắp các ruộng đồng kênh mương, nhặt không xuể. Nhiều gia đình ở Cấn Thượng huy động tối đa lao động trong gia đình đi "lượm" ốc về bán, thu nhập lên đến tiền triệu mỗi ngày. Ông H. - một "cựu đầu nậu" từng được coi là "ông trùm" thu mua ốc bươu vàng từ những ngày đầu, cho biết: "Chỉ một ngày có gia đình sơ chế được hàng tạ lưỡi ốc. Công việc này không đòi hỏi kỳ công, chỉ cần sự cần cù, chăm chỉ là có thu nhập". Thời điểm thu mua cao nhất lên đến 23.000 - 24.000 đồng/kg, nhiều hộ gia đình ở Cấn Hữu đã kiếm cả trăm triệu đồng một mùa. Nói về những thắc mắc của chúng tôi trong việc tiêu thụ sản phẩm ốc bươu vàng, ông H. lắc đầu ngao ngán: "Người dân ở đây cũng chỉ biết thu gom, sơ chế và bán cho thương lái, còn họ chở đi đâu, làm gì thì chúng tôi không hề biết. Nghe nói họ vận chuyển thẳng lên cửa khẩu và xuất sang bên kia biên giới". Chính vì không rõ sử dụng vào mục đích gì nên có nhiều đồn đoán quanh con ốc bươu vàng. Còn đối với người dân Cấn Hữu, họ chỉ quan tâm bán được ốc, thu về tiền trăm, tiền triệu từ một loại sinh vật ngoại lai chuyên gây hại mùa màng mà chính họ cũng từng sợ hãi.

Cha chung không ai khóc…

Theo chân những người đi bán lưỡi ốc bươu vàng, chúng tôi đã tìm đến điểm thu mua lưỡi ốc. Cơ sở này nằm giữa cánh đồng trên một gò đất cao, ở đây có một căn lều ọp ẹp, bạt che kín. Giữa trưa, tại điểm thu mua ốc có hai người phụ nữ ngồi cân ốc và trả tiền. Lưỡi ốc được thu gom, đổ vào một thùng có người phụt nước rửa, sau đó ốc được vớt ra đổ sang thùng kế bên, rửa lại một lượt nước nữa sau đó được cho vào thùng xốp (mỗi thùng nặng 55kg) và ướp đá lạnh. Thường thường, việc thu gom sẽ kết thúc vào khoảng 18 đến 19h, sau đó sẽ có các xe tải đến vận chuyển đi. Trong vai người muốn mua gom lưỡi ốc về chế biến thực phẩm chăn nuôi, khi chúng tôi hỏi, hai phụ nữ này cho biết: "Làm gì còn thừa mà thu gom, có bao nhiêu ở đây đều mua hết rồi". Chính hai người phụ nữ này cũng không biết chính xác ốc được chuyển đến đâu, chỉ biết là lên vùng cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết vào khoảng năm 2013, đã xảy ra tình trạng các đầu nậu ẩu đả nhau để tranh giành mối thu gom ốc. Thời điểm cao trào, tại đây có đến 3 đầu nậu thu mua, nhưng đến nay chỉ còn một. Hiện nay, người dân đi nhặt ốc bươu vàng tập trung ở các xã: Cấn Hữu, Đông Yên, Đồng Quang…

Băn khoăn về đường đi của sản phẩm ốc bươu vàng, chúng tôi đã đi tìm câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng, song nhiều người chúng tôi gặp đều cho rằng, để quản lý sản phẩm ốc bươu vàng đã sơ chế cần sự phối hợp của tất cả ngành chức năng như: Công an, bảo vệ thực vật, y tế, môi trường… Song, ông Đỗ Danh Hường, Phó trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Quốc Oai cho biết: Chúng tôi chỉ hoạt động chuyên môn, dự báo về sự phát triển, phá hoại mùa màng của ốc bươu vàng và bảo đảm rằng các hộ thu gom không tái nuôi. Khi phóng viên đặt vấn đề về kiểm dịch vì phần lớn số ốc bươu vàng người dân xã Cấn Hữu thu gom hiện nay đều ở các huyện lân cận, thậm chí ở cả các tỉnh chuyển về… thì ông Hường cho biết sẽ tổng hợp và báo cáo Chi cục Bảo vệ thực vật…

Việc sơ chế ốc bươu vàng diễn ra đã nhiều năm và ngày nào cũng có xe vận chuyển ốc ra khỏi địa bàn huyện Quốc Oai, nhưng không ai, không đơn vị nào biết những con ốc này "bò" theo đường nào. Thắc mắc này được ông Nguyễn Văn Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 22 cho biết: Đội có trách nhiệm kiểm tra việc sơ chế tại nơi sơ chế và thu gom; nếu ốc sơ chế đang trong quá trình vận chuyển thì phải có sự phối hợp với lực lượng công an vì quản lý thị trường không được phép tự dừng xe đang di chuyển. Thêm nữa, từ trước đến nay, Đội không thấy ai, đơn vị nào hỏi về việc sơ chế ốc bươu vàng ở Quốc Oai nên chưa kiểm tra?!

Được biết, biến chuyển duy nhất trong thời gian vừa qua là phần lớn vỏ ốc sau quá trình sơ chế đã được người dân đổ vào đúng nơi tập kết rác thải. Tuy nhiên, tại khu vực bên mé sông Tích, đầu cầu Đông Thượng vẫn còn nhiều đống vỏ ốc cao chất ngất chưa được thu gom triệt để, mùi xú uế bay dọc triền đê. Chính quyền sở tại đã yêu cầu người dân không được vận chuyển ốc bươu vàng, phải đổ vỏ ốc đúng nơi quy định… Song, những yêu cầu này dường như vẫn không được thực hiện, việc vận chuyển vẫn diễn ra công khai mà không gặp trở ngại nào…

Dư luận đặt câu hỏi, việc sơ chế ốc và vận chuyển ốc bươu vàng là tự phát và phải chăng các cơ quan chức năng vẫn đứng ngoài cuộc?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi thì có lợi…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.