Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi không chỉ là... tiền

Hoàng Thu Vân| 11/02/2014 05:58

(HNM) - Từ ngày 1-4-2009, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có hiệu lực thi hành. Theo đó, 16 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng phải chịu thuế TTĐB.


Theo như dự thảo, một số mặt hàng thuộc diện nhạy cảm sẽ đưa vào diện quản lý của Luật Thuế TTĐB gồm thuốc lá, bia, rượu… Cơ quan chức năng lý giải, sau khi Việt Nam tham gia WTO, thuế suất với bia chai đã giảm từ 75% xuống còn 45-50% nhằm hỗ trợ ngành bia, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh, góp phần tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, điều đó đã làm tăng sức tiêu thụ của Việt Nam đối với mặt hàng này. Vì vậy, đối với rượu từ 20o trở lên sẽ tăng thuế từ 50% hiện nay lên 65%; rượu dưới 20o sẽ tăng thuế từ 25% lên 35%; bia cũng tăng thuế từ 50% lên 65%.

Còn việc đề xuất tăng thuế TTĐB với thuốc lá (từ 65% lên 75% trên giá bán của DN sản xuất và dự kiến tăng thêm 10% vào năm 2018) là để hạn chế việc tiêu dùng. Cụ thể, số người hút thuốc hiện tại của Việt Nam là khá cao với khoảng 15 triệu người, kéo theo việc hàng triệu phụ nữ và trẻ em không hút thuốc nhưng cũng chịu ảnh hưởng vì rơi vào tình trạng hít thở khói thuốc thụ động. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra 40.000 ca tử vong trong năm 2008, dự báo con số này sẽ lên tới 50.000 người vào năm 2023.

Bên cạnh đó, dự thảo này cũng quy định kinh doanh vũ trường sẽ áp thuế suất 40%; kinh doanh mát-xa, karaoke, casino, trò chơi điện tử có thưởng cùng có mức thuế 30%... Còn kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả, trò chơi có thưởng thông qua nhắn tin sẽ áp thuế suất 30%, nước ngọt có gas không cồn chịu thuế suất 10%...

Mỗi mặt hàng được đưa vào diện chịu thuế TTĐB hoặc tăng mức thuế suất TTĐB đều được cơ quan chức năng lý giải nguyên nhân.

Và đương nhiên theo tính toán, nếu Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Thuế TTĐB được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành thì số thu ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, chuyện là ở chỗ cái lợi đem lại cho xã hội không chỉ là… đồng tiền.

Việc hút thuốc lá hoặc gián tiếp hút thuốc lá thụ động là có hại, hay mặt trái của những hoạt động dịch vụ như mát-xa, karaoke, casino, trò chơi điện tử có thưởng… chắc chắn không cần nói thêm ai cũng biết. Lấy ví dụ, năm vừa qua, mặc dù kinh tế Việt Nam còn không ít khó khăn khi nhiều ngành đối mặt với thua lỗ, hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đối mặt với việc giải thể hoặc ngừng hoạt động, vậy mà ngành sản xuất bia trong nước vẫn được coi như một điểm sáng khi vẫn tăng trưởng đạt mức 10%/năm với sản lượng đạt khoảng 3 tỷ lít. Tính chung, con số tiêu thụ mặt hàng này của chúng ta năm sau luôn cao hơn năm trước khoảng 15%. Với "thành tích" đó, Việt Nam luôn nằm trong top 25 nước uống bia khủng khiếp nhất thế giới, đứng thứ ba của châu lục và nhiều năm liên tục dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Điều đó nên buồn hay nên vui khi biết rằng, dù chúng ta là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo thì ngoại tệ thu được cũng chỉ trên dưới 1 tỷ USD/năm trong khi số tiền chi cho việc… uống bia gấp 3 lần số tiền đó. Nếu trên dưới 3 tỷ USD đó được đầu tư cho việc phát triển kinh tế thì chắc chắn nhiều khúc mắc, khó khăn về vốn sẽ được giải tỏa.

Ấy vậy nhưng với dự thảo nêu trên, theo ý kiến của nhiều DN trong cuộc (tức những DN sản xuất các mặt hàng được đưa vào diện chịu thuế TTĐB) thì nào là thị trường trong nước sẽ bị các DN nước ngoài thống trị, hàng nhập lậu sẽ có cơ hội tuồn vào thị trường nội địa, hạn chế sức cạnh tranh của các DN nội địa… Đến đây, đằng sau những phát biểu của họ chắc ai cũng hiểu bởi với họ vấn đề trên hết là lợi nhuận. Tuy nhiên, cần phải biết, trong nhiều trường hợp cụ thể mà ở đây là Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB, cái lợi không chỉ là… đồng tiền.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lợi không chỉ là... tiền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.