Buot Panha là một trong số hàng nghìn người bị mắc kẹt trên cầu Kim cương ở Phnom Penh, Campuchia, tối qua. Anh may mắn thoát chết khi cảnh giẫm đạp nổ ra khiến 375 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương.
Buot Panha đang được điều trị tại bệnh viện Calmette, một trong 8 cơ sở y tế đang vật lộn để đối phó với thảm họa đẫm máu nhất tại đất nước này trong nhiều thập kỷ. Hai người bạn ngồi cùng Buot Panha và họ đợi hai người nữa cũng bị thương trong vụ chen lấn trên cầu.
Thảm kịch xảy ra khi đám đông hàng nghìn người hoảng loạn và giẫm đạp lên nhau trên cây cầu nối Phnom Penh với đảo Kim cương, nơi diễn ra các hoạt động lễ hội.
Buot Panha cho biết anh thấy mây kéo đến và sợ trời sẽ mưa nên quyết định đi về.
Ly Vuthy, người bán hàng rong và chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng từ quầy hàng của cô trên đảo, cho biết khi đó trên cầu có hơn 1.000 người. Đám đông bắt đầu hoảng sợ và dòng người ken chật cứng trên cầu khiến họ không thể di chuyển được.
"Người ta thấy bị mắc kẹt cứng và hoảng sợ. Nhiều người nhảy ra khỏi cầu", cô kể lại.
Một người bán hàng khác tên là Sem Pagnaseth cho biết những tấm rào chắn được dựng lên để ngăn không cho mọi người tràn ra đường làm cho dòng người không thể thoát ra nhanh được.
Một số cảnh sát có mặt tại đó để kiểm soát đám đông và hành động nhanh chóng của họ đã ngăn không cho thảm kịch trở nên tồi tệ hơn.
Buot Panha nói rằng chính chiều cao đáng kể của anh giúp anh sống sót. "Tôi ở giữa đám đông trên cầu nhưng vì tôi cao nên có thể ngoi đầu lên thở được. Tôi không thể dịch chuyển nổi, lúc đó quá đông", anh nói.
Phụ nữ và trẻ em thấp hơn và gặp khó khăn hơn. Con số thống kê cũng cho thấy hai phần ba số người chết và bị thương là phụ nữ.
Khi cảnh xô đẩy diễn ra, một người đàn ông bảo Buot Panha và một số thanh niên khác nhảy xuống cầu để đỡ cảnh chen lấn. Buot Panha trao trả đứa trẻ mà anh đang nâng lên khỏi đầu lại cho mẹ bé rồi cố len đến thành cầu và nhảy xuống sông.
Những người kém may mắn hơn anh đang được đặt ở cuối bệnh viện Calmette, nơi hai chiếc lều tạm lớn được dựng tại bãi đỗ xe.
Cạnh nhà xác tạm này, giới chức đang làm việc với gia đình của các nạn nhân để đảm bảo rằng họ sẽ nhận được tiền bồi thường và trợ giúp để đưa thi thể người thân về nhà.
Những chiếc xe tải quân sự xếp hàng dài, sẵn sàng đưa các nạn nhân về quê. Phát ngôn viên chính phủ Campuchia Khieu Kanharith cho biết vì tín ngưỡng, nhiều người Campuchia không chở người chết bằng xe riêng.
Buot Panha biết rằng có thể anh đã nằm trong túp lều trắng kia. Thậm chí bạn anh là Neang Sovannara còn cận kề cái chết hơn nữa. Khi cảnh sát đưa người chết và người bị thương khỏi cây cầu, họ thấy Neang Sovannara còn thở yếu ớt và cứu sống anh.
Đây là lần đầu tiên Buot Panha dự lễ hội nước tại Phnom Penh. "Tôi không tưởng tượng nổi chuyện như thế này lại xảy ra. Không tưởng tượng được nhiều người chết đến thế. Tôi sẽ không bao giờ quay lại", anh nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.