(HNM) - Khi mua hàng, lấy hóa đơn là việc làm rất cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi của người mua được pháp luật bảo vệ trong giao dịch thương mại; đồng thời tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, góp phần vào sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch của toàn xã hội, tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Nhiều người tiêu dùng khi đi mua hàng hóa chưa có thói quen lấy hoặc giữ lại hóa đơn. Việc không lấy hóa đơn không những tạo điều kiện cho người bán lợi dụng trốn thuế, mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người mua hàng khi xảy ra tranh chấp, hậu mãi, chứng minh tiêu dùng hợp pháp.
Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định rõ “Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ”. Vì vậy, lấy hóa đơn khi mua hàng là rất cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua.
Khi mua hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng là người mua hàng đã gián tiếp thông qua người bán để đóng góp nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước, góp phần phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Do đó, việc yêu cầu lấy hóa đơn khi mua hàng hóa dịch vụ sẽ bảo đảm người bán phải kê khai đầy đủ và nộp thuế thay cho người mua đúng theo quy định pháp luật.
Việc lấy hóa đơn cũng nhằm bảo đảm quyền lợi của người mua hàng được pháp luật bảo vệ trong giao dịch thương mại như dịch vụ hậu mãi hoặc tranh chấp, khiếu kiện về chất lượng hàng hóa... Bên cạnh đó, người mua hàng được bảo đảm về nghĩa vụ liên quan đến trách nhiệm bảo hành của người bán trong trường hợp hàng hóa không đúng quy cách chất lượng, nguồn gốc. Lấy hóa đơn khi mua hàng còn góp phần tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh cho toàn xã hội, tránh thất thu ngân sách nhà nước. Ngoài các quyền lợi được bảo vệ khi sử dụng hóa đơn hợp pháp, người mua hàng còn có cơ hội nhận giải thưởng giá trị khi tham gia chương trình “Hóa đơn may mắn”.
Theo Tổng cục Thuế, Tổng cục đã triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn” đến 63/63 cục thuế trên toàn quốc. Đến nay, 53/63 cục thuế đăng ký kế hoạch tổ chức lựa chọn hóa đơn may mắn và đã có 46/63 cục thuế tổ chức thành công chương trình.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã triển khai chương trình này, áp dụng đối với toàn bộ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế (bao gồm cả hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền), người bán là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn thành phố Hà Nội và người mua là cá nhân, hộ kinh doanh.
Với việc lấy và lưu giữ hóa đơn điện tử, yêu cầu người bán hàng ghi đầy đủ thông tin định danh của người mua trên hóa đơn, người mua hàng có cơ hội trúng những giải thưởng giá trị từ 3 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Định kỳ hằng quý, Cục Thuế thành phố Hà Nội thực hiện quay thưởng xác định hóa đơn may mắn trúng thưởng. Để bảo đảm việc lựa chọn hóa đơn trúng thưởng khách quan, công khai, minh bạch, hội đồng giám sát được thành lập. Mới đây, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã tổ chức chương trình lựa chọn “Hóa đơn may mắn” quý II-2022, 19 hóa đơn may mắn đã được lựa chọn trong tổng số gần 170.000 hóa đơn điện tử thuộc đối tượng, đủ điều kiện đưa vào quay thưởng.
Liên quan đến hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế thông tin, từ ngày 1-7-2022, Tổng cục Thuế chính thức áp dụng triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định. Tính đến ngày 31-10-2022, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 1,8 tỷ hóa đơn; trong đó có hơn 508 triệu hóa đơn có mã và hơn 1.342 triệu hóa đơn không mã.
Để tránh những tình huống không may có thể xảy ra, người mua hàng nên tạo lập thói quen mua hàng tiêu dùng văn minh bằng cách yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.