(HNMCT) - “Gây sốc” với bộ phim tài liệu “Ranh giới” nói về cuộc chiến của những sản phụ, y bác sĩ trong “cơn cuồng phong” của đại dịch Covid-19, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư là cái tên được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII vừa qua, Tạ Quỳnh Tư được vinh danh “Đạo diễn xuất sắc”.
Học từ cuộc sống
Tạ Quỳnh Tư sinh ra trong một gia đình có 6 anh em, bố mẹ đều là công nhân. Tư kể, tuổi thơ anh ham chơi, lười học.Ngày các bạn thi đại học, Tư vẫn chưa biết mình sẽ thi trường nào. Phải mất 4 năm sau, khi các bạn đã chuẩn bị ra trường thì Tư mới bắt đầu con đường “học hành”. Đó là một hôm đi làm đồng, ngồi một mình giữa cánh đồng vắng, nghĩ đến sự vất vả của người nông dân, Tư tự hỏi: Liệu suốt cuộc đời sẽ gắn bó với đồng ruộng hay làm một điều gì khác? Rồi Tư quyết tâm rời quê hương Hải Hậu (Nam Định) lên Hà Nội làm việc, sau đó ôn thi đại học. Để bước chân vào giảng đường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, anh đã làm đủ việc như đánh véc ni cho các xưởng mộc, phụ hồ, in ép ảnh, quay phim dịch vụ...
Tạ Quỳnh Tư đến với nghề quay phim đơn giản bởi yêu thích hình ảnh những người cầm máy quay trên truyền hình. Anh cũng tự nhận mình thích môn văn. Những tác phẩm văn học tạo nên cảm hứng trong suốt hành trình sáng tạo trước ống kính máy quay của anh sau này. Bên cạnh văn chương, điều quan trọng với Tư chính là chất liệu từ cuộc sống. Sinh ra ở nông thôn, lại trải nghiệm nhiều công việc khác nhau, Tư có vốn sống đủ để tìm được sự đồng cảm và chia sẻ từ phía các nhân vật. “Thú thực tôi lười học, lười đọc sách nhưng tôi may mắn được đọc trang sách cuộc đời. Mỗi lần đến từng địa phương, gặp những con người, số phận khác nhau thì tôi coi đó là những trang sách rất quý. Những trang sách rất sinh động, có nỗi đau, sự sẻ chia, đồng cảm...” - anh nói.
Kể những câu chuyện đời
Những câu chuyện Tạ Quỳnh Tư kể thu hút người xem bởi lối dẫn dắt riêng trong hành trình khám phá, bóc tách và giải quyết vấn đề.
“Ranh giới” là một hiện tượng của năm 2021 khi khắc họa chân thực đến ám ảnh cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của các y, bác sĩ và các sản phụ tại Bệnh viện Hùng Vương (thành phố Hồ Chí Minh). “Tôi được chứng kiến tận mắt guồng lao động khủng khiếp. Những bác sĩ, y tá, điều dưỡng nhỏ nhắn nhưng làm việc với cường độ 200 - 300% sức lao động bình thường. Lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến người bị mắc Covid trước giai đoạn đặt nội khí quản như thế nào...”, và Tạ Quỳnh Tư đã đưa những gì anh được chứng kiến lên phim. Khán giả đã rơi nước mắt, đã nghẹn thở với nhân vật, đã cảm nhận sâu sắc sự khắc nghiệt của bệnh tật, từ đó biết giữ gìn sức khỏe cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng. Bộ phim mang về cho anh hai giải thưởng: Phim tài liệu xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII.
Trước đó, Tạ Quỳnh Tư đã có những bộ phim rất ấn tượng. 50 phút của bộ phim “Hai đứa trẻ” khiến người xem không thể dứt ra khỏi câu chuyện về hai trẻ sơ sinh bị trao nhầm ở Bình Phước. Nhà báo Nguyễn Thuận (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh) cho rằng: “Phim tài liệu “Hai đứa trẻ”, từ đầu đến cuối không có một lời bình nào, nhưng xem bạn sẽ khóc từ đầu đến cuối. Đó là cái gì? Hãy để cảm xúc được lên tiếng. Những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm được đến trái tim”. Ở phim “Đường về”, Tư lại đi sâu khai thác sự mất mát, khắc khoải của những người mẹ trong hành trình đi tìm danh tính hài cốt liệt sĩ. Cho đến giờ, những ai đã xem bộ phim chắc hẳn vẫn rất ám ảnh trước hình ảnh người mẹ già, lưng còng gần chạm đất, một mình đi trên con đường vắng ra thăm mộ con và khóc, hỏi con nằm dưới đất sâu “bao nhiêu tuổi”.
Khi làm phim, Tạ Quỳnh Tư luôn sẵn sàng ít nhất hai chiếc máy quay, một của mình, một của quay phim để chủ động bám sát nhân vật. Ngay cả khi nói chuyện, ăn cơm, nghỉ giải lao... anh cùng cộng sự luôn có sự bàn bạc trước để không lỡ diễn tiến câu chuyện. Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước nhận định: “Thế mạnh về hình của Tư chính là sự chân thật. Tư luôn là người cầm máy thứ hai cùng với quay phim chính và không gì tốt bằng khi chính đạo diễn cũng là người thường quay hình ảnh cho những bộ phim của mình. Thực ra đó cũng là một cách làm phim. Trên thế giới cũng vậy, có những nhóm làm phim mà đạo diễn luôn tự quay”.
Tiệm cận xu hướng làm phim của thế giới
Điện ảnh tài liệu Việt Nam trong nhiều thập niên trước chủ yếu là những bộ phim tài liệu có lời bình. Với dòng phim tài liệu không lời bình, các thế hệ đạo diễn đi trước như Lê Mạnh Thích (tác phẩm “Đường dây lên sông Đà”), Trần Văn Thủy (“Chuyện từ góc công viên”) đã có những thử nghiệm ban đầu. Gần đây, các đạo diễn trẻ như Hoàng Lâm, Nguyễn Thị Thắm, Đoàn Hồng Lê, Tạ Quỳnh Tư, Lê Mỹ Cường đã tìm tòi cách làm mới với dòng phim không lời bình: Để cho câu chuyện tự lên tiếng, ống kính của người làm phim đồng hành cùng xúc cảm và hành động của nhân vật, để nhân vật tự bộc lộ, tự lên tiếng. Đạo diễn Trần Văn Thủy, người có nhiều thành công với dòng phim tài liệu có lời bình, cho rằng: “Trong cuộc sống không có gì cao hơn sự thật. Đấy là thế mạnh của phim không lời bình. Và nếu làm được “đến bờ đến bến”, đụng chạm vào “dây thần kinh của đời sống xã hội”, đúng những vấn đề cuộc đời quan tâm thì cực hay và hiệu quả của những bộ phim không lời bình rất tốt”.
Tạ Quỳnh Tư lý giải con đường đến với những bộ phim tài liệu không lời bình đơn giản là vì anh không giỏi việc viết lời bình. Nhưng theo nhà biên kịch Khương Diệp Anh, Tạ Quỳnh Tư đã biến cái bất lợi thành lợi thế cho mình khi theo đuổi dòng phim này: “Thể hiện không lời bình khó hơn có lời bình. Anh dùng ngôn ngữ hình ảnh để truyền tải cảm xúc, kết hợp với nội dung rất thời sự. Những đề tài anh chọn thông thường không đi vào vấn đề vĩ mô nhưng để lại nhiều dư ba. Ví dụ anh luôn chọn đề tài về thân phận, đằng sau những vướng mắc, tắc trách, nhầm lẫn... vẫn luôn là sự nhân văn, đưa khán giả đến những chiều kích của cảm xúc”.
Dù là phim tài liệu có lời bình hay không lời bình, điều quan trọng là vấn đề ấy có chạm trúng vấn đề mà xã hội đang quan tâm hay không. Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước đánh giá: “Cách làm của Tạ Quỳnh Tư rất gần gũi với cách làm phim tài liệu của thế giới hiện nay. Sau “Hai đứa trẻ”, gần như tôi là người theo dõi từng bước đi của Tư. Tất cả những phim của Tư tôi đều xem và lưu lại, cho sinh viên của tôi xem. Đến “Ranh giới” thì tôi thấy Tư đã định hình rất rõ sự trưởng thành của một người làm phim tài liệu”.
Có người nói, Tạ Quỳnh Tư may mắn bởi anh được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, nhạy bén tại Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam. Nhưng có lẽ, để có được thành công của ngày hôm nay, hơn hết vẫn là trải nghiệm thực tế và sự đồng cảm của chính anh - một đạo diễn trẻ đã tìm được "lối đi riêng" - để đời sống tự kể câu chuyện của mình qua những thước phim đắt giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.