Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lối đi nào cho dịch vụ “xe ghép”?

Bảo Châu| 17/04/2023 12:21

(HNNN) - Vì tính tiện lợi “đón tận nơi, trả tận nhà”, giá thành rẻ hơn nhiều so với taxi truyền thống hay taxi công nghệ nên dịch vụ “xe ghép” đang là sự lựa chọn của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, đây vẫn là loại hình dịch vụ “chui”, ngoài việc khiến Nhà nước thất thu nguồn thuế lớn thì còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Dịch vụ “xe ghép” đang là sự lựa chọn của một bộ phận người dân. Ảnh: Hải Dương

Chưa lường hết rủi ro

Không khó khi lên mạng tìm kiếm dịch vụ “xe ghép” từ Hà Nội đi sân bay Nội Bài hay về các địa phương khác và ngược lại. Thời buổi công nghệ phát triển, nhiều nhóm lái xe ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác đã lập những hội, nhóm công khai và bán công khai trên mạng xã hội để tìm kiếm “thượng đế” có nhu cầu. Với sự đa dạng về các loại xe từ 4 - 16 chỗ ngồi và tinh thần “đón tận nơi, trả tận nhà”, loại dịch vụ này đang được nhiều người sử dụng để tiết kiệm tiền bạc cũng như thời gian đi lại.

Anh Ngô Văn Tuấn (sinh năm 1980, quê ở Hải Dương, hiện sống ở quận Hà Đông) chia sẻ: “Với ưu điểm là giá rẻ hơn nhiều so với taxi, lại đưa đón tận nơi chứ không phải ra bến xe như xe khách nên gia đình tôi thường sử dụng “xe ghép” để về quê. Nếu như thuê nguyên xe taxi từ Hà Nội về Hải Dương mất khoảng 1 triệu đồng/lượt thì đi xe ghép chỉ mất 150 nghìn đồng/lượt/người, tức là chỉ cao khoảng gấp đôi vé xe khách. Với mức thu nhập trung bình lại hay phải về quê, tôi thấy đây là lựa chọn khá hợp lý”. Chia sẻ lý do vì sao “xe ghép” rẻ hơn taxi truyền thống hay Grab, bạn Nguyễn Thị Vân (sinh năm 2001, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Khác với taxi truyền thống hay Grab, “xe ghép” là ghép những người có cùng tuyến đường đi. Và khi đó, chi phí cho chuyến xe sẽ được phân bổ cho nhiều người trên xe”.

Tiện thì có tiện, tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh dịch vụ “xe ghép” cũng tiềm ẩn sự nguy hiểm cho người sử dụng dịch vụ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải, cuộc sống hiện đại khiến công nghệ có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người. Sự ra đời của dịch vụ “xe ghép” là một ví dụ điển hình. “Có một thực tế là lâu nay người sử dụng “xe ghép” không nghi ngại về việc liệu đi “xe ghép” có đảm bảo an toàn hay không khi lái xe là người tự do, không được kiểm tra sức khỏe định kỳ hay xác thực về bằng lái... Đó là chưa kể việc không lắp đặt camera giám sát và thiết bị giám sát hành trình theo quy định đối với xe kinh doanh vận tải nên sẽ không có sự theo dõi, kiểm soát lái xe, không biết là trong quá trình điều khiển xe họ có sử dụng rượu, bia, chất kích thích hay không?” - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, để che mắt lực lượng chức năng, các lái xe thường dặn trước với khách là nếu bị hỏi thì nói là người nhà hoặc là đi du lịch, khi đó thì lực lượng chức năng không có lý do gì để phạt lái xe. “Nói chung người dân vẫn còn chủ quan, chưa ý thức được việc sử dụng loại hình dịch vụ này sẽ phát sinh nhiều rủi ro. Lái xe là những cá nhân, tổ chức tự phát, có thể không rõ về giấy tờ tùy thân, đăng ký kinh doanh thì truy trách nhiệm thế nào? Nếu người dân không cả tin, thậm chí bao che thì dịch vụ này rất khó phát triển” - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy phân tích.

Cần sớm có biện pháp chấn chỉnh

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh và đảm bảo các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật; các phương tiện kinh doanh phải được gắn thiết bị giám sát hành trình... Nếu theo Nghị định này, dịch vụ “xe ghép” như hiện nay hoàn toàn chưa đủ điều kiện để hoạt động. Thêm vào đó, loại hình dịch vụ này đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống nói chung và xe khách theo tuyến cố định nói riêng.

Theo luật sư Nguyễn Đức Năng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Năng & Partner, mặc dù Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa ra hướng xử lý tình trạng trên nhưng dịch vụ này vẫn phát triển rầm rộ ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. “Để tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách, việc sớm đưa loại hình dịch vụ “xe ghép” vào khuôn khổ pháp luật là điều rất cần thiết. Cùng với đó, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân có sự tỉnh táo, công tâm hơn khi sử dụng các loại hình dịch vụ vận tải. Theo tôi, chúng ta nên hình thành thói quen lựa chọn các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải uy tín, được đăng ký kinh doanh đầy đủ, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang” - ông Nguyễn Đức Năng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thì hiện nay, pháp luật mới cho phép kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, taxi, xe bus, xe hợp đồng chứ chưa hề cho phép “xe ghép” hoạt động. Ông Quyền cho hay: “Tôi nhớ cách đây khoảng 4 - 5 năm, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn trả lời một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải rằng, dịch vụ “xe ghép” là bất hợp pháp. Tuy nhiên, hiện nay, do công nghệ phát triển, lái xe với hành khách có thể liên hệ, trao đổi rất thuận tiện nên loại dịch vụ này diễn ra khá phổ biến. Dưới góc độ người đứng đầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - tổ chức bảo vệ cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô hợp pháp, tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp chấn chỉnh, xử lý dịch vụ “xe ghép” để hoạt động vận tải đi vào quy củ, tạo ra sự công bằng, văn minh”.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, dịch vụ “xe ghép” là hình thức kinh doanh “chui”, không được pháp luật hiện hành công nhận. Tuy nhiên, theo ông Thanh, để xử lý hoạt động này thì các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu thực trạng một cách kỹ lưỡng. “Theo tôi, các cơ quan chức năng nên lấy ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô cũng như dư luận xã hội để tính đến chuyện loại bỏ hay công nhận “xe ghép” là loại hình kinh doanh. Nếu công nhận “xe ghép” là loại hình kinh doanh vận tải thì phải rõ cơ chế thế nào, hoạt động ra sao...” - ông Thanh bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lối đi nào cho dịch vụ “xe ghép”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.