(HNM) - Tư tưởng và mục đích cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ con người và cuối cùng trở về với con người. Luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, “quan tâm đến con người, con người thật, đang sống trong quả đất này và chắc chắn còn sống lâu dài đến vô tận thời gian, lấy đó làm trung tâm của mọi suy nghĩ và chủ đích của mọi hành động.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta! |
Mỗi quyết sách, mỗi việc Người làm đều toát lên lòng tin yêu vào con người, tình thương yêu vô hạn và sự chăm lo cho con người”[7] là nét đặc sắc nổi bật của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh nói chung và Di chúc nói riêng.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người vừa tồn tại với tư cách cá nhân, vừa là thành viên của gia đình và của cộng đồng, nên Người không chỉ thương yêu và chăm lo cho con người, ôm ấp một hoài bão lớn lao giải phóng dân tộc mình mà còn nỗ lực đấu tranh để giải phóng những người cùng khổ khỏi lầm than, bị áp bức và bất công.
Người đã khởi đầu từ cái cụ thể tưởng như nhỏ nhất - đặt niềm tin vào con người, vào nhân dân và dân tộc mình, nâng niu trân trọng từng cá nhân con người để rồi không quản ngại khó khăn, nhẫn nại thức tỉnh, giác ngộ, dìu dắt đồng bào, tiếp đó là giúp đỡ họ, đào tạo họ, cổ vũ và động viên họ trực tiếp tham gia sự nghiệp cách mạng, để đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng chính bản thân mình. Bởi lẽ vậy, như một lẽ tự nhiên, trong những lời để lại, Người đặc biệt quan tâm đến con người và nhấn mạnh “đầu tiên là công việc đối với con người”.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, khi đất nước đã trải qua năm dài chiến tranh, việc hàn gắn những vết thương của thời hậu chiến là công việc đầy nặng nề, phức tạp nhưng cũng rất vẻ vang. Do đó, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân lao động ở miền núi cũng như miền xuôi.
Những đề nghị của Người về miễn thuế nông nghiệp 1 năm, để “đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”; về xây dựng lại thành phố, làng mạc; về xây dựng những vườn hoa, bia tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc, “để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”... thiết thực, cụ thể, đầy tính nhân văn, thể hiện một tấm lòng bao dung nhân ái cho hết thảy mọi người, góp phần giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho muôn đời thế hệ con cháu mai sau.
Với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) còn gặp khó khăn trong cuộc sống và lao động, chính quyền địa phương phải “giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. Giúp đỡ thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn không chỉ là những “hành động” đền ơn, đáp nghĩa thiết thực mà còn thể hiện tính nhân văn trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Đó chính là kế thừa và phát huy giá trị truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đạo lý “đền ơn đáp nghĩa” tốt đẹp của dân tộc.
Với những người “phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất” thì “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo” và “bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”. Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, cờ bạc, buôn lậu…, Người tâm niệm, dù là ai, họ cũng mang dòng máu Việt, cũng có nguồn cội, nên lấy lòng nhân, khoan dung độ lượng, hướng về lẽ phải chân chính “cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.
Lòng yêu nước, thương dân, thương nhân loại khổ đau trong Di chúc thể hiện sự quan tâm của Người đến lợi ích của từng con người và lợi ích cả cộng đồng. Đó cũng chính là sự biểu đạt đặc sắc của bao dung, nhân ái Hồ Chí Minh, của vị lãnh tụ suốt đời không màng danh lợi, khôn nguôi một hoài bão: Độc lập, tự do cho Tổ quốc; hạnh phúc cho đồng bào.
Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn lại về Đảng, về bồi dưỡng lực lượng kế cận, về chăm lo cho con người, về xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... trong Di chúc hàm chứa tư tưởng đổi mới và hội nhập, không chỉ nêu ra những việc cấp bách, trước mắt cần phải làm mà còn đồng thời hoạch định chiến lược phát triển trong tương lai để xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Đó chính là mục tiêu sâu xa và động lực căn bản của chủ nghĩa xã hội, là sự chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, lấy con người làm mục tiêu và động lực phát triển bền vững.
Một Hồ Chí Minh giản dị trên cương vị lãnh tụ, ngời sáng một tấm gương đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đã ung dung và thư thái để lại mấy dòng cuối cùng trong Di chúc để viết về việc riêng của mình. Một Hồ Chí Minh hết lòng yêu thương nhân dân, vốn khiêm nhường, rất “sáng mà không chói”, khi ra đi, tiếc nuối lớn nhất của Người là “suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Noi theo gương vua Lý Nhân Tông - một minh quân thời Lý, vốn sống kiệm ước, khi sắp mất cũng có lời di chúc thật thanh thản: “Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên vui, làm sao khi chết đi lại để cho nhân dân mình mặc sơ gai, sớm tối khóc than,… vì vậy, việc an táng cần phải tiết kiệm, không xây lăng mộ riêng, nên chôn ngay cạnh Tiên đế”,
Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn lại, “chớ nên tổ chức linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” và yêu cầu được hỏa táng. Sau đó ba phần tro cốt của Người để vào 3 hộp sành, như tình yêu thương tha thiết của Người dành cho đồng bào ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam…
Bao dung, nhân ái trong tâm hồn, nhưng lại cẩn trọng, cân nhắc từng ý, từng việc để cô đọng nhất những trăn trở, những điều cần phải dặn lại, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh tư tưởng, văn hóa, tâm hồn, đạo đức Việt và tinh hoa văn hóa của nhân loại; chứa đựng giá trị tư tưởng, tinh thần và đạo đức, kết tinh từ cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi của một con người “đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống”. Tư tưởng và tình cảm đó không chỉ mang lại sự đổi đời cho một dân tộc Việt Nam mà còn đem lại niềm tin tưởng mãnh liệt và khát vọng vào một ngày mai tươi đẹp cho tất cả các dân tộc yêu chuộng tự do, công lý trên toàn thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn với chúng ta theo nghĩa vật chất, nhưng Người rất gắn bó với chúng ta về mặt đạo lý, tinh thần. Nửa thế kỷ sau khi Người đi xa, trên các trang của lịch sử dân tộc và thời đại, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh vẫn luôn là nguồn cảm hứng, là sức mạnh nội lực, sáng như sao Bắc đẩu mưu cầu hạnh phúc cho hết thảy mọi con người, hướng dẫn loài người đi đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Di sản của Người và bản Di chúc dành cho “hiện nay và mai sau, không chỉ là của riêng nhân dân Việt Nam, mà còn dành cho tất cả các dân tộc, các Đảng đấu tranh về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, dù ở châu Á, châu Âu hoặc bất cứ nơi nào trên các lục địa”[8] vẫn trường tồn trong ký ức mỗi người dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý trên toàn thế giới.
Đồng hành cùng dân tộc và thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Di chúc lịch sử vẫn là ánh sáng soi đường để mỗi người, mỗi dân tộc sẽ “không yếu đuối trong đấu tranh giành lấy tương lai, để không dừng lại ở điều đạt được mà luôn luôn tiến lên phía trước”[9] để được độc lập, tự do, hòa bình và hạnh phúc.n
[7]Trần Văn Giàu: Vĩ đại một con người, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.79.
[8] Xã luận Báo Tự do nhân dân, Buđapét, Hung ga ri, ngày 11-9-1969.
[9] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sđd, tr.54.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.