Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Lời Bác dặn luôn là động lực để không ngừng phấn đấu''

Trần Vân| 27/08/2020 12:22

(HNMCT) - Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Tiến là nói đến người nghệ sĩ “ba trong một”, bởi ông không chỉ là nghệ sĩ đàn bầu hàng đầu mà còn vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và từng là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc quân đội. Trong ký ức của nhạc sĩ Nguyễn Tiến, những hình ảnh về hai lần được gặp Bác Hồ luôn hiển hiện trong tâm trí ông...

1. Tôi gặp nhạc sĩ Nguyễn Tiến trong một buổi chiều cuối tháng Tám, khi trời đổ mưa tầm tã đúng như khung cảnh trong ca khúc nổi tiếng mà ông viết cách đây 36 năm: “Chiều nay Hà Nội mưa rơi, rơi vào nỗi nhớ/ Chiều nay Hà Nội mưa rơi, rơi vào kỷ niệm…” (Chiều mưa Hà Nội). 

Nói về sự ra đời của “đứa con tinh thần” này, nhạc sĩ Nguyễn Tiến trầm ngâm kể: “Năm 1978, tôi có chuyến biểu diễn dài ngày ở quần đảo Trường Sa và rất đồng cảm với những chiến sĩ trên đảo có người yêu ở quê nhà. Sau này, nhạc sĩ Đức Minh động viên tôi viết một ca khúc về Hà Nội để thu âm nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (1954 - 1984). Vậy là cái tứ ấy đã phát triển thành giai điệu và lời ca, khắc họa tình yêu, nỗi nhớ nhung da diết của người chiến sĩ trên đảo với người yêu ở Hà Nội và ngược lại”.

Một tác phẩm khác viết về Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Tiến cũng được nhiều người biết đến, đó là tổ khúc Dời đô ngàn năm vang mãi. Đây chính là tác phẩm được biểu diễn mở màn chương trình Đại nhạc hội Hà Nội trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010) qua phần thể hiện của ca sĩ Trọng Tấn cùng dàn hợp xướng hơn 100 nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc quân đội. Bài hát ra đời, như ông chia sẻ là “một món quà mà đức vua Lý Thái Tổ ban”. 

Dịp đó, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội mở cuộc vận động sáng tác lớn chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong khi nhiều nhạc sĩ đã có tác phẩm thì nhạc sĩ Nguyễn Tiến vẫn chưa có ý tưởng đáng để hài lòng. Thế rồi, trong một ngày thu, dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, thắp nén hương dâng lên vua Lý Thái Tổ trong khu vực tượng đài của Ngài, một suy nghĩ lóe trong đầu: Tại sao mình không dựa vào bản Chiếu dời đô. Thế nhưng, viết về một nhân vật lỗi lạc thì khó có thể chuyển tải hết được qua một ca khúc nên ông chọn viết một tổ khúc hào sảng theo chất tuồng mà ở đó có Đức vua và cả quân lính. Tác phẩm này đem đến cho ông giải Nhất - Giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2009.

2. Dễ dàng nhận thấy các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Tiến đều lấp lánh chất liệu dân ca. Có lẽ bởi ông vốn là nghệ sĩ đàn bầu, được học đàn bầu từ năm 6 tuổi do người cha là nghệ nhân Nguyễn Tiếu, một trong những người sáng lập Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) truyền dạy. Tuy nhiên, năm 1980, phong trào nhạc nhẹ phát triển mạnh, đàn bầu không được coi trọng, không ai phối khí với đàn bầu hoặc có phối thì cũng không hợp ý ông.

Vậy là chàng nghệ sĩ thành Nam quyết tâm học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) với ước muốn tự phối khí cho tiết mục đàn bầu của mình. Bản phối đầu tiên của ông là Khúc hát đảo xa của nhạc sĩ Vĩnh An đã được đánh giá rất cao. Cũng từ đó, ông mạnh dạn đi vào con đường phối khí và sáng tác. Rồi hàng loạt ca khúc ra đời, dần quen thuộc trong đời sống người dân miền quê Bắc Bộ, như Hoa cau vườn trầu, Tìm em qua câu dân ca...

Là người “bám rễ” vào mạch nguồn âm nhạc truyền thống, lúc nào ông cũng tự hào rằng những làn điệu dân ca, dân vũ đã “ngấm” vào tâm thức như lẽ tự nhiên, kết tinh để tạo ra một Nguyễn Tiến đậm chất dân gian trong cả biểu diễn và sáng tác. Ông bảo, điều may mắn là ông nắm khá chắc về các thể loại nghệ thuật truyền thống như cải lương, tuồng, chèo, hò Huế, dân ca các miền, vì thế khi viết về miền quê nào là ông có thể mang nét đặc trưng của vùng quê ấy ra áp dụng ngay được. “Dân ca nước mình quá hay, quá ý nghĩa và sâu sắc, bởi vậy nếu ta biết vận dụng nó trong sáng tác thì sẽ không bao giờ sợ bị khán giả quay lưng”, ông nhấn mạnh.

3. Trong căn phòng làm việc tại ngôi nhà trên phố Trần Vỹ (Hà Nội), ông treo rất nhiều ảnh và kỷ vật gắn bó với mình. Thế nhưng, bất cứ ai khi đến thăm ông đều khó rời mắt khỏi bức ảnh đen trắng - bức ảnh ông được ngồi lòng Bác Hồ. Ông kể, năm 1963, Bác Hồ về thăm Nam Định; ông là “nghệ sĩ nhí” chơi đàn bầu “có tiếng” trong Câu lạc bộ Vàng Anh và may mắn được chọn biểu diễn cho Bác xem.

Trước giờ diễn, lúc đứng ngoài hành lang cùng tốp thiếu nhi, khi Bác đi qua hô “Nghiêm!” thì tất cả xúc động chạy đến bên Bác. Bác bảo: “Bác hô nghiêm cơ mà”. Sau đó Bác hô “Chào!”, cậu bé Tiến bối rối chào bằng tay trái, Bác hướng mắt về phía cậu rồi bảo: “Cháu chào sai rồi, phải chào tay phải mới đúng”. Khi Nguyễn Tiến biểu diễn xong tiết mục Hành vân (ca Huế), Bác vẫy tay xuống phát cho 8 cái kẹo. Thế rồi, cậu mong muốn được ngồi cạnh Bác và được Bác đồng ý. Hết chương trình, mọi người vào chụp ảnh cùng Bác, vì quá bé không chen được nên cậu túm chặt gấu áo Bác, Bác thấy vậy bèn nắm tay kéo cậu lên và cho ngồi vào lòng. Rất may là khoảnh khắc đó được một người chú của Nguyễn Tiến là nhiếp ảnh gia Văn Lợi ghi lại.

“Năm 1966, nhân có đoàn khách quốc tế sang thăm, Phủ Chủ tịch mời một nhóm thiếu nhi, gồm hai anh em Nguyễn Tiến, Thúy Đạt cùng hai chị em Ái Vân, Ái Xuân đến biểu diễn. Do có việc đột xuất, đoàn khách không đến được nhưng buổi biểu diễn vẫn diễn ra. Buổi tối hôm đó, trong phòng còn có các bác Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Nhìn thấy tôi, Bác đến xoa đầu và bảo: Năm kia Bác gặp cháu ở Nam Định, cháu còn bé hơn bây giờ một cái đầu, năm nay đã lớn như thế này rồi, cháu đánh đàn có hay hơn không? Chú Vũ Kỳ, thư ký của Bác bảo: Tiến biểu diễn lại bài Hành vân cho Bác Hồ nghe đi. Lúc đó bố tôi nói: Thưa Bác, lần này cháu sẽ biểu diễn bài Câu hò bên bờ Hiền Lương để Bác nghe ạ. Bác bảo: Bài này cũng hay, Bác rất thích nghe. Thế rồi khi biểu diễn xong, tôi và các bạn được Bác thưởng kẹo và động viên phải luôn cố gắng nhiều hơn nữa để sau này trở thành nghệ sĩ đàn bầu giỏi”, ông bồi hồi nhớ lại.

Khi kể với tôi câu chuyện này, dù sự kiện đã qua hơn nửa thế kỷ nhưng nhạc sĩ Nguyễn Tiến vẫn rưng rưng xúc động. Ông bảo, chính lời dặn dò của Bác là động lực để cậu bé Tiến ngày ấy quyết tâm phấn đấu không ngừng để trở thành nhạc sĩ Nguyễn Tiến như ngày hôm nay.

Đại tá - nhạc sĩ, NSND Nguyễn Tiến (tên khai sinh là Nguyễn Văn Tiến) sinh năm 1953 tại Nam Định. Năm 2012, ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho cụm ca khúc: Hoa cau vườn trầu, Phú nước non, Chiều mưa Hà Nội, Chiều xứ Lạng (thơ Thiếu tướng Phạm Văn Thạch), Nhớ đêm giã bạn và các tác phẩm khí nhạc Ngũ quả mừng xuân, Hồn Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Lời Bác dặn luôn là động lực để không ngừng phấn đấu''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.