(HNMO) - Tối 8-8, nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau đã phải hứng chịu những cơn lốc xoáy lớn, bất ngờ, gây nhiều thiệt hại về người và của cho người dân.
Cụ thể, cơn lốc xoáy mạnh vào hồi 21h ngày 8-8 tại xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển đã làm 1 người chết, làm sập 3 căn nhà và tốc mái 2 căn nhà khác. Người bị thiệt mạng là bà Đoàn Thị Thu Thảo, sinh năm 1965, trú tại ấp Dinh Cũ, xã Tam Giang Tây. Bà Thảo thiệt mạng khi đang ngồi trong nhà xem tivi, đúng lúc cơn lốc xoáy ập tới, giật đổ căn nhà, đè lên bà. Các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình và cùng lo hậu sự cho người xấu số.
Ông Trần Hoàng Lạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, huyện còn hơn 4.000 căn nhà ven sông, xây tạm bợ, khi có dông lốc xảy ra sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát những hộ sống trong vùng xung yếu, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chằng chống nhà cửa, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, tính mạng khi có thiên tai xảy ra.
Cũng trong tối qua, 8-8, tại xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau, cơn lốc xoáy bất ngờ lúc 20h đã làm 25 căn nhà và 2 phòng học của Trường THCS Nguyễn Du bị tốc mái, nhà ăn của Trường Mẫu giáo Sơn Ca bị sập hoàn toàn. Rất may không có thiệt hại về người sau trận lốc xoáy này.
Gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây nhiều ảnh hưởng đến tỉnh Cà Mau trong thời gian qua. Hiện, 300m đê biển Tây trên địa bàn xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời vẫn đứng trước nguy cơ bị vỡ, đe dọa đến nhiều diện tích vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau. Nhiều vùng khác trong tỉnh cũng phải hứng chịu thiệt hại do mưa lớn, dông lốc và triều cường. Theo thống kế của UBND tỉnh Cà Mau, riêng trong tuần đầu tháng 8, thiên tai đã gây thiệt hại gần 32 tỷ đồng cho người dân trong tỉnh.
Tỉnh Cà Mau cũng vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương khẩn cấp hỗ trợ địa phương hơn 73,8 tỷ đồng phục vụ công tác gia cố đê và di dời dân cư vùng nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng triều cường, nước biển dâng.
Trong đó, tỉnh cần hơn 23 tỷ đồng để khắc phục ngay 2.100m đê đang bị sạt lở rất nguy hiểm, có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào theo tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây; trên 35 tỷ đồng để xử lý những đoạn sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến đê biển Tây với chiều dài 5.447m; 15 tỷ đồng để bơm đất, tạo bãi, phục hồi đai rừng phòng hộ đoạn từ Kinh Mới - Đá Bạc, Ngọn Tiểu Dừa với chiều dài 7.000m.
Trước đó, Cà Mau cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ 1.400 tỷ đồng để di dời dân cư vào sinh sống ổn định ở các cụm tuyến dân cư mới, giai đoạn 2016-2020 và lộ trình tới năm 2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.