(HNM) - Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ bầu chọn những sản phẩm công nghiệp chủ lực mang thương hiệu của thành phố...
Thành phố Hồ Chí Minh luôn nắm giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước khi đóng góp 22% GDP, chiếm 28% tổng thu ngân sách nước ta. Thế nhưng, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh: "Trong các hội thảo gần đây, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh luôn hỏi các doanh nghiệp sản phẩm chủ lực của thành phố là gì, thì các đơn vị lúng túng vì chưa xác định được".
Sản xuất tại Nhà máy Samsung SEHC (quận 9, TP Hồ Chí Minh). |
GS.TS Nguyễn Thị Cành, Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Nếu chỉ dựa vào gia công cho doanh nghiệp nước ngoài thì sản phẩm công nghệ là nhóm sản phẩm chủ lực của thành phố từ hai công ty là Công ty TNHH Điện tử Samsung Vina, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam. Còn sản phẩm nội lực thì hiện TP Hồ Chí Minh chưa có sản phẩm chủ lực nào".
Thực chất, câu chuyện xây dựng sản phẩm công nghiệp chủ lực đã được TP Hồ Chí Minh triển khai hơn một thập kỷ trước. Năm 2004-2005, TP Hồ Chí Minh từng dẫn đầu cả nước về phát triển các sản phẩm chủ lực với 35 doanh nghiệp tham gia. Hàng nghìn tỷ đồng đã được thành phố hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn mua thiết bị, tham gia xúc tiến thương mại. Tại thời điểm đó, thành phố đã chọn ra 15 sản phẩm công nghiệp chủ lực để có chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển cho một số sản phẩm như nước giải khát Tribeco, đệm cao su Kim Đan, sản phẩm may mặc Việt Tiến, sản xuất xe buýt Samco... Một số sản phẩm còn phát triển đến hôm nay nhưng cũng có một số công ty sản xuất sản phẩm chủ lực phải bán thương hiệu cho nước ngoài do không đủ sức chống chọi với các thương hiệu mạnh vượt trội, do áp lực tài chính, lẫn sự “hụt hơi” trong hội nhập.
Hiện nay, thành phố đang tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực. Song, do bộ tiêu chí bầu chọn cách đây hơn một thập kỷ đã lỗi thời nên UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh xác định lại nhóm tiêu chí mới. Ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nhận định: "Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế của khu vực, đòi hỏi TP Hồ Chí Minh phải phát triển kinh tế ở mức cao. Do đó, việc xác định được sản phẩm chủ lực rất quan trọng, tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển bền vững. Sở Công Thương đang lắng nghe góp ý từ các doanh nghiệp, nhóm ngành nghề, chuyên gia nghiên cứu để đưa ra nhóm tiêu chí xác định nhóm ngành công nghiệp phát triển chủ lực trong thời gian tới".
Nhiều doanh nghiệp cho rằng cần dựa trên các tiêu chí như tốc độ tăng trưởng của sản phẩm, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm, quy mô thị trường, giải quyết việc làm, liên kết tạo động lực cho các ngành khác phát triển theo. Ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí giao thông - vận tải Sài Gòn (Samco) đưa ra ý kiến: "Khi bình chọn sản phẩm chủ lực, chúng ta cần lưu ý yếu tố dự báo ngành nghề. Trong xu thế phát triển công nghiệp 4.0 hiện nay, nếu không có dự báo ngành nghề thì nhóm ngành thành phố triển khai ưu tiên phát triển xong thì lại bị thị trường đào thải".
Bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, xác định nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực là chương trình ý nghĩa, góp phần thúc đẩy nền kinh tế thành phố, đa dạng hàng hóa thị trường và xuất khẩu. Vì vậy, khi triển khai xác nhận nhóm sản phẩm chủ lực, chúng ta cần tránh việc bầu chọn lấy phong trào mà phải tạo ra động lực phát triển thực sự cho doanh nghiệp, cho kinh tế thành phố. Nhờ đó, tránh được việc đầu tư đại trà và kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp không bị phân tán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.