(HNM) - Một nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất chương trình tên tuổi vừa phán một câu xanh rờn "công nghiệp âm nhạc đang trên bờ vực phá sản". Vì sao nên nỗi bi quan đến vậy?
Thật khó tìm tiêu chí rõ ràng để phán xét nền công nghiệp sản xuất âm nhạc (nếu có thể gọi như vậy) ở ta. Có ý kiến cho rằng thị trường âm nhạc, sau quãng thời gian ồn ào với lứa ca sĩ - nhạc sĩ gặp thời mạnh dạn tung tiền ra sản phẩm, chương trình, bước vào thời khủng hoảng là bắt đầu chậm lại, "về mo" - hệt như cái thời chỉ những người được đại gia "chống lưng" mới hăm hở làm liveshow, hay mấy chàng (nàng) con nhà giàu xin bố mẹ "vài trăm" để thuê người làm đĩa cho mình, nhăm nhe "cho thiên hạ biết tay" chứ chưa hẳn là xuất phát từ tình yêu âm nhạc.
Thời buổi này, những người đã thành danh, ca sĩ - nhạc sĩ giỏi và nhà sản xuất phải chi li từng tí mỗi lần nuôi ý sản xuất chương trình, mấy ai ra sản phẩm hoành tráng (cho mình hoặc "gà" của mình) "đều như vắt chanh" mà vẫn "thắng" như Mr Đàm. Chuyện dễ hiểu, bởi có làm chương trình gì, ra đĩa "hot" đến mấy thì cũng không thể thu vốn cạnh tranh sao nổi với nhà mạng vào lúc các teen lúc nào cũng nhăm nhăm laptop và chiếc tai nghe. Mà số nhà mạng cung cấp ca khúc, chương trình âm nhạc thì đầy ra đấy, họ chỉ nhắp "chuột" đẩy ca khúc lên là những CD, VCD, DVD có mà xếp xó. Lúc ấy thì đừng nghĩ thu được gì ra tấm ra món, chỉ có thể tự hài lòng với số tiền bản quyền "trả cho có" mà thôi.
Đến đây thì ẩn ý từ một câu nói chẳng còn lạ nữa. Giữa lúc tiền nong đã bớt rủng rỉnh (có lẽ vì khủng hoảng kinh tế, "đại gia" không còn hào phóng như trước nữa chăng?), một phần của ngành giải trí, trong đó có âm nhạc đang điên đầu trong cuộc chiến không biết khi nào mới có hồi kết hậu với dân in lậu, giờ lại phải canh cánh nỗi lo nhà mạng ưu thế hơn mình, trách gì chẳng chênh vênh bờ vực.
Thế nên trong cái chuyện đáng buồn này, có đi tìm nguyên nhân thì loanh quanh mãi lại về "chuyện cũ" mà thôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.