(HNM) - Ngày 30-12, tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội (LH) năm 2015 do Bộ VH,TT&DL tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng những LH có hình ảnh đâm chém rùng rợn, những tập tục lạc hậu trong LH không còn phù hợp, cần được loại dần khỏi cộng đồng.
Lễ khai hội Chùa Hương năm 2015. Ảnh: Bảo Lâm |
Đây cũng là quan điểm của Bộ VH,TT&DL đối với công tác quản lý, tổ chức LH trong những năm tiếp theo.
Vẫn còn nhiều "sạn"
Theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở, công tác quản lý, tổ chức LH năm 2015 có sự chuyển biến rõ nét. Hầu hết ban quản lý di tích, LH các địa phương đã tuyên truyền về lịch sử di tích, ý nghĩa LH, các quy định về nếp sống văn minh trong LH đến đông đảo các tầng lớp nhân dân nên tình trạng ùn tắc, chen lấn, đổi tiền mệnh giá nhỏ để hưởng chênh lệch tại khu vực di tích, nơi tổ chức LH đã giảm đáng kể.
Tuy vậy, tình trạng thương mại hóa, lợi dụng LH để trục lợi, tranh giành khách, gây mất an ninh, trật tự còn tồn tại. Hiện tượng đốt vàng mã không đúng nơi quy định vẫn xảy ra; công tác vệ sinh môi trường chưa bảo đảm. Cá biệt, LH "Cầu trâu" ở xã Hương Nha, tục cướp Phết trong LH Phết ở xã Hiền Quan thuộc huyện Tam Nông (Phú Thọ); tập tục "chém lợn" ở LH Ném Thượng thuộc phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh)… có những yếu tố gây phản cảm, tạo nên luồng dư luận yêu cầu "tẩy chay", loại bỏ những LH này khỏi đời sống cộng đồng.
Kết quả chấm điểm công tác quản lý, tổ chức LH năm 2015 cho thấy, số địa phương được xếp loại A (thực hiện tốt) chỉ chiếm gần 23%, trong khi số địa phương xếp loại B (hoàn thành) chiếm hơn 71%. "Nguyên nhân khiến những bất cập, hạn chế trong hoạt động LH chưa được khắc phục triệt để là do sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa chặt chẽ, trách nhiệm của chính quyền địa phương ở một số nơi chưa được phát huy. Mặt khác là do không gian diễn ra LH chật hẹp trong khi số người tham gia ngày một tăng, ý thức thực hiện nếp sống văn minh của một số người tham gia LH chưa cao", Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy nhận định.
Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL, một số "hạt sạn" trong LH tồn tại dai dẳng từ mùa này sang mùa khác chưa được loại bỏ còn là do nguyên nhân chủ quan. "Nếu không vì mục đích thương mại thì người ta đã không tổ chức chọi trâu ở nhiều nơi để bán vé thu tiền, đã không để các dịch vụ, các trò chơi có tính chất bạo lực, cờ bạc diễn ra trong khu vực di tích, LH", ông Vũ Xuân Thành nói.
Giảm tần suất tổ chức, loại dần lễ hội phản cảm
Để có thể nhân lên những giá trị tốt đẹp, loại dần những "hạt sạn" không đáng có trong hoạt động LH, ngoài việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra như thường lệ, trước mùa hội năm 2016, Bộ VH,TT&DL đã đưa ra nhiều giải pháp "mạnh" hơn so với trước. Đó là việc giảm tần suất, quy mô tổ chức LH; xây dựng phương án phòng, chống thảm họa thiên tai, cháy nổ; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là hành vi lợi dụng di tích, LH để trục lợi, kích động bạo lực, tuyên truyền mê tín dị đoan…
Theo nội dung Thông tư 15/2015 do Bộ VH,TT&DL ban hành ngày 22-12-2015 "Quy định về tổ chức lễ hội" thì từ năm 2016 trở đi, các địa phương tổ chức LH dân gian buộc phải thành lập BTC gồm đại diện chính quyền, ngành Văn hóa và các ngành liên quan. BTC có trách nhiệm quản lý, điều hành LH theo đúng chương trình đã thông báo hoặc xin phép, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các nghi lễ truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh, bảo đảm an ninh, an toàn trong LH.
Nghi lễ trong LH cần được tiến hành trang trọng trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp. Phần hội phải bảo đảm vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của LH. Những LH có nội dung kích động bạo lực, truyền bá hành vi tội ác như việc mô tả cảnh đâm chém, đấm đá tàn bạo, rùng rợn hoặc những LH có tính chất mê tín dị đoan làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên thì sẽ không được tổ chức.
Nhiều đại biểu ủng hộ quan điểm nói trên. Đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết: "Một số cộng đồng ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam vẫn tổ chức LH đâm trâu, không quá dữ dằn nhưng chúng tôi sẽ từng bước vận động nhân dân loại bỏ". Về tục "chém lợn" trong LH Ném Thượng, đại diện tỉnh Bắc Ninh hứa sẽ lắng nghe các ý kiến góp ý và cùng cộng đồng tìm ra hình thức tổ chức phù hợp hơn. Sau các cuộc đối thoại trực tiếp giữa đại diện cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng, chính quyền, nhân dân xã Hương Nha và xã Hiền Quan - huyện Tam Nông (Phú Thọ) cũng sẽ loại bỏ những chi tiết, hình ảnh không phù hợp với truyền thống văn hóa trong lễ hội của địa phương mình, bắt đầu từ xuân hội 2016.
LH dân gian hiện không còn bó hẹp trong cộng đồng làng xã như trước nữa, mà có sức lan tỏa vô cùng rộng lớn. Bởi thế, việc loại bỏ "sạn", những yếu tố không còn phù hợp với xã hội đương đại là rất cần thiết. Với những biện pháp đã được đề ra, hy vọng bức tranh LH năm 2016 sẽ có nhiều gam màu sáng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.