(HNM) - Tốc độ tăng giá liên tục kéo dài từ tháng 10-2010 đến nay đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2011 so với cùng kỳ năm trước ước tăng hơn 20%.
Để khắc phục tình trạng này, mới đây Bộ Tài chính đã trình Thường trực Ban Bí thư hai phương án sửa đổi Luật Thuế TNCN. Ngoài việc đề xuất miễn thuế cho một số đối tượng, Bộ Tài chính dự kiến nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng thay mức 5 triệu đồng hiện nay.
Người dân đến nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình (Cục Thuế Hà Nội). Ảnh: Trung Kiên |
Lạc hậu vì giá tăng
Theo các chuyên gia, CPI tháng 6 ước tăng 1% so với tháng 5-2011, tăng khoảng 13% so với tháng 12-2010 và tăng hơn 20% so với vùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh giá hàng hóa tăng cao như hiện nay, mức giảm gia cảnh cho mỗi cá nhân và người phụ thuộc theo Luật Thuế TNCN đã lạc hậu. Theo Luật Thuế TNCN (có hiệu lực từ 1-1-2009), cá nhân thuộc diện chịu thuế (người nộp thuế - NNT) được giảm trừ tối đa cho bản thân 4 triệu đồng/tháng. Những đối tượng phụ thuộc, như cha, mẹ, người già, người tàn tật, vợ hay con nhỏ dưới 18 tuổi... được giảm trừ 1,6 triệu đồng/tháng. NNT sau khi chiết giảm cho cá nhân mình 4 triệu đồng mỗi tháng và 1,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc, thu nhập còn lại mới bắt đầu tính thuế. Như vậy, một công chức có thu nhập 5 triệu đồng/tháng, nếu độc thân không phải phụng dưỡng mẹ già thì sau khi trừ đi 4 triệu đồng cho bản thân, thu nhập phải nộp thuế là 1 triệu đồng, với mức thuế suất 5%.
Hơn một năm sau khi Luật Thuế TNCN có hiệu lực, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những bất cập. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) nhận xét, trong bối cảnh giá hầu hết các loại hàng hóa "leo thang" như hiện nay, mức giảm cho cả NNT lẫn người phụ thuộc đang lạc hậu so với thực tế. Với mặt bằng giá hiện tại, mỗi tháng chi tiêu của một cá nhân vào khoảng 5 triệu đồng chứ không phải mức 4 triệu hay 1,6 triệu đồng. TS Nguyễn Minh Phong cũng đề xuất tăng mức chiết giảm gia cảnh và chiết giảm cho NNT gấp 3 lần so với lương cơ bản. Một số ý kiến khác cũng cho rằng, Luật Thuế TNCN không nên quy định cứng nhắc mức chiết giảm gia cảnh mà nên quy định bằng 3 lần lương cơ bản bởi mức giảm trừ gia cảnh như hiện nay chưa theo kịp việc tăng lương cơ bản sau các lần điều chỉnh, chưa nói đến việc giá cả hầu hết các mặt hàng đã tăng cao.
Đề xuất hai phương án sửa đổi
Theo Tờ trình của Bộ Tài chính vừa gửi lên Thường trực Ban Bí thư, NNT TNCN ở bậc thuế đầu tiên (5%) được đề xuất miễn thuế (phương án 1). Như vậy, NNT sẽ đóng thuế từ bậc thứ hai (thu nhập từ 9 triệu đồng) với thuế suất 10%. Người độc thân có thu nhập từ 9 triệu đồng trở xuống sẽ không phải nộp thuế TNCN. Nếu có một người phụ thuộc cũng chỉ phải đóng thuế nếu có tổng thu nhập hơn 10,6 triệu đồng… Với phương án này, số thuế tối đa mỗi người được miễn sẽ là 250.000 đồng/tháng. Bộ Tài chính cũng báo cáo phương án miễn thuế TNCN với người làm công ăn lương không có người phụ thuộc và có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống; có một người phụ thuộc và có thu nhập không quá 6,6 triệu đồng/tháng; có hai người phụ thuộc và thu nhập không quá 8,2 triệu đồng/tháng (phương án 2). Với phương án này, số tiền thuế tối đa được miễn cho mỗi NNT là 50.000 đồng/tháng. Dự kiến, sẽ có khoảng 250.000 người được hưởng chính sách này và giảm thu ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế TNCN với đầu tư chứng khoán từ ngày 1-8-2011 đến hết năm 2012; giảm 50% thuế TNCN với hộ cho thuê nhà có doanh thu dưới 20 triệu đồng/tháng (với điều kiện các hộ này cam kết không tăng giá thuê nhà cho công nhân trong năm 2011)…
Tuy nhiên, với thu nhập từ cổ tức được chia từ các ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư tài chính, tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính vẫn đề xuất đánh thuế TNCN, bởi trong năm 2009-2010, các ngân hàng cổ phần đều trả cổ tức mức cao hơn 10% (Ngân hàng Á Châu trả cổ tức 24%, Sacombank: 15%...). Với cổ tức được chia từ hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán từ ngày 1-8-2011 đến hết 31-12-2012, Bộ Tài chính vẫn đề xuất cho miễn thuế TNCN nhằm khuyến khích đầu tư vốn trực tiếp vào sản xuất, kinh doanh và bảo đảm bình đẳng với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Trong bối cảnh giá hàng hóa tăng cao như hiện nay, việc sửa đổi Luật Thuế TNCN là cần thiết nhằm chia sẻ khó khăn với người dân, nhất là những người làm công ăn lương. Dự kiến, nếu áp dụng các phương án đề xuất sửa đổi của Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước sẽ giảm thu đáng kể. Tính đến tháng 12-2010, cả nước có hơn 11 triệu tổ chức, cá nhân đăng ký, kê khai nộp thuế. Hiện các khoản thu từ thuế TNCN đóng góp cho ngân sách gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, khoảng 70% số thuế được thu từ đối tượng làm công ăn lương; 12% thu từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, còn lại là từ các khoản thu nhập khác. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNCN cho phù hợp với thực tế hiện nay là một yêu cầu bức thiết nhằm chia sẻ khó khăn với NNT đang gặp khó khăn trong bối cảnh giá tiêu dùng tăng như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.